BHXH Việt Nam: Nâng cao chất lượng quản lý hoạt động khoa học
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) đã họp tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động khoa học BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ThS.Nguyễn Minh Tuấn- Viện trưởng Viện Khoa học BHXH- Chủ nhiệm Đề tài cho biết, ngày 9/6/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Quy chế Quản lý quản lý hoạt động KHCN tại Quyết định 822/QĐ-BHXH. Quy chế này giúp cho việc quản lý các hoạt động KHCN của Ngành đi vào nề nếp. Tuy nhiên, Quy chế vẫn còn một số “khoảng trống” và chưa sẵn sàng cho tin học hoá. Bên cạnh đó, hoạt động xét công nhận sáng kiến cũng đang phải tuân thủ các văn bản khác nhau. Ngoài ra, BHXH Việt Nam chưa có phần mềm quản lý hoạt động KHCN.
“Chính vì vậy, Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động khoa học của BHXH Việt Nam. Trong đó, Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề chung về quản lý hoạt động KHCN; kinh nghiệm quản lý hoạt động KHCN trong nước và quốc tế. Đánh giá thực trạng công tác quản lý hoạt động KHCN của BHXH Việt Nam giai đoạn 2016-2020; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động KHCN, trong đó có đề xuất đối với việc xây dựng phần mềm quản lý hoạt động KHCN”- ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Theo số liệu của Ban Chủ nhiệm Đề tài đưa ra, hiện toàn Ngành có trên 20 nghìn cán bộ, trong đó có 87% cán bộ có trình độ từ Đại học trở lên; mạng lưới hoạt động KHCN của BHXH Việt Nam khá đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động nghiên cứu chủ yếu diễn ra ở các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh, BHXH cấp huyện rất ít tham gia. Bên cạnh đó, mặc dù Ngành đã có Quy chế quản lý hoạt động KHCN, tuy nhiên chưa có chiến lược riêng về phát triển KHCN...
Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý hoạt động KHCN ở các khía cạnh như xây dựng định hướng định hướng nghiên cứu và các danh mục nhiệm vụ KHCN; tuyển chọn nhiệm vụ, nghiệm thu và đưa vào sử dụng; quản lý tiến độ, tài chính, thông tin khoa học, công nhận sáng kiến, ứng dụng CNTT... Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đề xuất các giải pháp về chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ và ứng dụng CNTT. Trong đó, tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò của hoạt động KHCN; mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới KHCN; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN; thúc đẩy liên kết Viện-Trường-DN-Nhà nước; tăng cường năng lực quản lý các nhiệm vụ KHCN.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhất trí cao với kế cấu chặt chẽ, logic của Đề tài; đồng thời đánh giá Đề tài này được chuẩn bị công phu, bài bản, thể hiện được bức tranh hoạt động KHCN của BHXH Việt Nam; lập luận và phân tích rõ ràng được thực trạng một cách sâu sắc, toàn diện. Đề tài phục vụ thiết thực cho việc hoạch định và ban hành các chính sách trong tương lai.
Cùng với đó, các thành viên Hội đồng cũng gợi mở một số nội dung để nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài như: thực tiễn hoạt động KHCN của Ngành; mới phương thức khoa học; đề xuất việc đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiên cứu khoa học...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, đây là một đề tài khó và là đề tài kiểu mẫu để các đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ KHCN, nhưng Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc cũng đặt yêu cầu, nhóm nghiên cứu cần mạnh dạn đề xuất các giải pháp cụ thể hơn mang tính thực tiễn cao, phù hợp với vai trò tổ chức thực hiện nhiệm vụ...
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua Đề tài. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị.
Hà Thủy
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam