Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến vấn đề y tế

Thứ Hai, 11 /11/2024 14:28

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế như: Đảm bảo thuốc, cấp giấy phép chứng chỉ hành nghề KCB, thực trạng quản lý thực phẩm chức năng, phòng chống thuốc lá.

Cấp phép chứng chỉ hành nghề còn tồn tại

Báo cáo trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, liên quan đến nội dung cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực KCB, đến nay, Bộ và Sở Y tế các địa phương đã cấp 66.795 giấy phép hoạt động và 637.519 giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực KCB (chưa bao gồm giấy phép do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp). Trong đó, số lượng hồ sơ cấp giấy phép hoạt động tại Bộ Y tế chiếm chưa đến 1,5% tổng số giấy phép hoạt động trên toàn quốc (795 hồ sơ).

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã cấp mới 28 giấy phép hoạt động cho các BV tư nhân (cùng kỳ năm ngoái là 16 giấy phép hoạt động, tăng 75%); cấp 57 quyết định điều chỉnh giấy phép hoạt động do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, thay đổi quy mô hoạt động (cùng kỳ năm ngoái là 48 quyết định, tăng 18,75%). Về cơ bản, Bộ Y tế đã thực hiện kịp thời các hồ sơ còn tồn đọng, hiện số lượng hồ sơ cấp mới giấy phép hoạt động mới nộp, chưa tiến hành thẩm định tại Bộ Y tế là 5 hồ sơ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh bổ sung quy định mới là cấp lại giấy phép hành nghề sau 5 năm cho người hành nghề cũng như tăng số lượng đào tạo các chuyên ngành y, đối tượng được cấp giấy phép hành nghề và các chính sách đồng bộ để tạo điều kiện cho sự phát triển của các cơ sở KCB tư nhân. Điều này dẫn tới việc tăng số lượng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề (có thêm các chức danh chuyên môn hành nghề KCB mới được cấp giấy phép hành nghề), giấy phép hoạt động (hình thức cơ sở KCB được tổ chức linh hoạt hơn). Sơ bộ ước tính tăng khoảng 20% số lượng hồ sơ cấp giấy phép hành nghề.

Tuy nhiên, trong việc cấp phép chứng chỉ hành nghề lĩnh vực KCB vẫn còn tồn tại nhất định. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên và sâu sát, chưa huy động được các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động KCB tư nhân. Chậm chuyển đổi số do vướng mắc trong vấn đề xây dựng và thẩm định giá, khó khăn trong thực hiện công tác đấu thầu, thiếu nguồn lực để triển khai nâng cấp các phần mềm, dẫn đến chưa thể đáp ứng các yêu cầu kết nối, đồng bộ, liên thông dữ liệu nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Ngoài ra, thiếu các dự án, chương trình nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của công tác quản lý hành nghề KCB. Cùng với đó, hầu hết các Sở Y tế thiếu nhân lực cho công tác quản lý hành nghề, thực hiện các TTHC về cấp giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề, trong khi số lượng người hành nghề và cơ sở KCB cần phải cấp giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động là rất lớn…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế

Về công tác đảm bảo dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư y tế) cho vùng trọng điểm thiên tai, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã ban hành danh mục cơ số thuốc, thiết bị y tế; các đơn vị đã tổ chức mua sắm, tiếp nhận hàng hóa dự trữ, phòng chống thiên tai. Xây dựng kế hoạch, tổ chức dự trữ một số vật tư, hóa chất khử khuẩn tại kho hàng của Bộ Y tế ở TP.Đà Nẵng để hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi vượt quá khả năng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, mua sắm dự trữ cơ số thuốc, thiết bị y tế dự trữ theo quy định; ưu tiên, xem xét giải quyết theo quy định các đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Cùng với đó, đề nghị các địa phương có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc, thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau thiên tai, bão lũ.

Bộ Y tế còn chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác mua thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng thực hiện; ban hành các thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; phân cấp, phân quyền triệt để thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế nhằm đảm bảo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với việc mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, hệ thống y tế vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, nhất là đối với hệ thống y tế tại những vùng khó khăn (trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên), làm ảnh hưởng tới khả năng ứng phó cấp vùng và công tác điều phối, huy động nhân lực y tế trong thiên tai, thảm họa; năng lực hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế; hệ thống cấp cứu chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các vùng hay xảy ra ngập lụt, giao thông bị chia cắt, gây trở ngại trong công tác KCB, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai, thảm họa còn hạn chế, nhất là trong bảo đảm thuốc, hóa chất vật tư y tế. Đặc biệt, là những vướng mắc trong cơ chế mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trong đó có thuốc, vật tư y tế cho phòng chống thiên tai...

Chính vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng công tác quản lý, mua sắm thuốc, thiết bị y tế và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống và ứng phó trước, trong và sau thiên tai, thảm họa. Các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức mua sắm, dự trữ, quản lý, bảo quản thuốc, hóa chất, thiết bị y tế theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ, sẵn sàng cấp phát hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng.

Nguyệt Hà