Các bệnh viện ở Hàn Quốc tổn hại lớn về kinh tế

Thứ Ba, 02 /04/2024 17:43

Tình trạng các bác sĩ thực tập nghỉ việc hàng loạt hơn một tháng qua đã khiến nhiều bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul chịu thiệt hại lớn về kinh tế khi phải cắt giảm dịch vụ y tế và không thể triển khai đầy đủ các hoạt động y tế.

Theo thông tin mới, 5 bệnh viện lớn được gọi là nhóm Big 5 ở thủ đô của Hàn Quốc tổn thất 1 tỷ won mỗi ngày. Do thiếu nhân lực, các bệnh viện phải gộp các bước của quy trình chữa bệnh, sáp nhập các khoa và giảm số phòng cấp cứu.

Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul đã đóng cửa 10 khoa phòng trong số 60 khoa, phòng chức năng, bao gồm phòng cấp cứu tạm thời và một phần khu phụ trợ của bệnh viện ung thư nhằm đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhân lực. Khu khép kín vốn chỉ được sử dụng cho phẫu thuật và nội khoa nay được mở để phục vụ cho chỉnh hình, thận và nội tiết.

Một lãnh đạo bệnh viện cho biết, Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul đang phải chịu khoản thâm hụt lên tới 100 tỷ won. Cơ sở ở Busan của bệnh viện này cũng đang thâm hụt tới 60 tỷ won tính đến ngày 26/3.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế Asan ở Seoul buộc phải chuyển sang "tình trạng khẩn cấp", đóng cửa 9 trong số 56 khoa phòng. Bệnh viện St.Mary cũng tạm dừng 2 trong số 19 khoa phòng chức năng, còn Bệnh viện Severance nổi tiếng thì bắt đầu sáp nhập các khoa phòng để quản lý theo tình trạng khẩn cấp.

Đến nay, phải đóng cửa hoặc sáp nhập hầu hết là khoa phẫu thuật vì số ca phẫu thuật giảm mạnh dẫn đến tình trạng sử dụng giường bệnh giảm. Hiện tại, các bệnh viện vẫn duy trì phòng cấp cứu nhưng cũng không thể vận hành hết công suất. Sau thời điểm ngày 19/2 khi bác sĩ thực tập nghỉ việc hàng loạt, các bệnh viện đành phải giảm dịch vụ cho những bệnh nhân nhẹ và tập trung vào chữa trị cho các ca bệnh nặng.

Trước tình hình tài chính sụt giảm, các bệnh viện lớn không chỉ kéo giãn thời gian điều trị, giảm tiếp nhận bệnh nhân, đóng cửa hoặc sáp nhập các khoa phòng chuyên môn mà còn phải tái cơ cấu nhân sự, với các nhân viên không chuyên phải nghỉ phép không lương.

Trong khi đó, nhiều giáo sư y khoa ở các bệnh viện lớn cũng đang dự định sẽ giảm giờ làm bởi họ đã tiến đến giới hạn về thể chất vì phải cáng đáng công việc của những người đình công. Ông Bang Jae-seung- người đứng đầu Ủy ban ứng phó khẩn cấp của Hội đồng Giáo sư y khoa Hàn Quốc dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho biết, các giáo sư phải làm việc khoảng 60-98 giờ mỗi tuần. Theo kế hoạch tới đây, họ sẽ giảm số ca phẫu thuật và dịch vụ dành cho bệnh nhân ngoại trú và tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng vì sự an toàn của người bệnh và đội ngũ nhân viên y tế.

Các nhà phân tích cho biết, với làn sóng nghỉ việc kéo dài của các bác sĩ thực tập, rất khó dự đoán tình hình các bệnh viện sẽ cầm cự ra sao. Ngày 31/3, Chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp bất thường do Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong chủ trì để bàn các biện pháp ứng phó khẩn cấp mạnh mẽ hơn.

Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc đã đình công kể từ ngày 20/2 để phản đối quyết định của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y lên 2.000 sinh viên so với mức 3.058 hiện tại bắt đầu từ năm 2025. Họ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, và dẫn đến tình trạng dư thừa bác sĩ.

Phía Chính phủ Hàn Quốc lập luận rằng việc tăng số lượng bác sĩ là nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn, các lĩnh vực y tế thiết yếu và giải quyết tình trạng dân số siêu già.

Yonhap cho biết, với thực trạng dân số già đi nhanh chóng cùng nhiều ấn đề khác, Hàn Quốc dự kiến sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân tại Hàn Quốc năm 2021 là 2,6, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 của các nước thành viên OECD.

Hoàng Dương