Các Dự án Luật trình Quốc hội phải chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Sáng 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội, nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, phối hợp tốt, chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong giải quyết các công việc, nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế- xã hội.
Theo Thủ tướng, cùng với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, DN, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong 9 tháng qua, chính trị-xã hội đất nước ta ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường, an ninh trật tự được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh. Kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả, thu hút FDI trên 25 tỷ USD, đặc biệt giải ngân vốn FDI đạt trên 17 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Đồng thời, CCHC được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá TTHC, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện...
Tuy nhiên, tình hình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nỗ lực, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Ngay sau Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Chính phủ đã bắt tay vào việc chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 8, riêng Thủ tướng đã ban hành 15 văn bản phân công, đôn đốc với tinh thần 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm).
Tại Kỳ họp thứ 8, công việc rất nặng nề, dự kiến lập kỷ lục mới về khối lượng công việc, trong đó dự kiến Chính phủ sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua. Do đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, theo quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong công tác xây dựng pháp luật, cần chuyển từ tập trung vào mục tiêu quản lý sang mục tiêu vừa quản lý được, vừa mở rộng không gian phát triển, kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xóa bỏ quan liêu bao cấp, xóa bỏ xin cho, đơn giản, cắt giảm TTHC.
Thủ tướng nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 rất quan trọng với sự phát triển của đất nước; thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, DN rất trông đợi. Với tinh thần chủ động hơn để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, ngay sau Hội nghị Trung ương 10, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tổ chức hội nghị vào ngày 17/9 và hôm nay tiếp tục tổ chức hội nghị để rà soát lại các công việc với quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để triển khai các nhiệm vụ được giao...
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân. Đồng thời, khẳng định tình hình đất nước hiện còn nhiều khó khăn, nhất là thiên tai bão lũ vừa qua gây thiệt hại rất nặng nề, với khí thế mới, BCH Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết để thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2030, tạo tiền đề bứt phá để đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Qua các báo cáo và ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội thống nhất Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11 (tiến hành theo 2 đợt, trong đó đợt 1 từ 21/10 đến 13/11, đợt 2 từ 20/11 đến 30/11/2024), tổng thời gian làm việc là 28,5 ngày. “Trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ tăng cường thêm thời gian để xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung nếu chuẩn bị kịp và bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Kỳ họp thứ 8 sẽ kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Pháp luật phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, DN làm trung tâm. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội với tinh thần “những việc đã đề ra thì phải quyết tâm làm, bảo đảm thời gian, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ”. Đồng thời, lưu ý Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ hơn các cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện các nội dung, nhất là với các nội dung đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
“Tinh thần là những việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục ngồi với nhau, cần thiết thì Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội cùng xem xét, cho ý kiến để đi đến thống nhất phương án. Tinh thần là quyết liệt, quyết tâm, nhưng phải quyết làm để Kỳ họp thứ 8 thành công tốt đẹp. Tuy rất nhiều nội dung trình Quốc hội, khối lượng công việc rất lớn, rất khó, nhưng cách làm tiếp tục đổi mới thì Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp. Dư luận xã hội, cử tri và nhân dân cũng rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội, Chính phủ quyết sách các vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm đời sống nhân dân”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Vũ Thu
- Hợp tác sâu rộng hướng tới hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững
- Đầu tư cho con người và an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng xã hội hài hòa, bền vững
- HSSV tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ
- Lấy cảm hứng từ sự ưu việt của Đề án 06 để triển khai quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội