Các nhà khoa học vẫn lý giải sự gia tăng kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu

Thứ Tư, 25 /12/2024 15:42

“Trái đất đang ngày càng nóng lên trong nhiều thập kỷ”- đây là điều các nhà khoa học công bố trong những năm qua. Tuy nhiên, nguyên nhân sự gia tăng nhiệt độ đột ngột và bất thường của Trái đất vẫn đang là vấn đề được nghiên cứu một cách thấu đáo.

Trong 2 năm qua, kỷ lục về nhiệt độ của Trái đất liên tục bị phá vỡ bởi khó hiểu, đến mức trở thành “thử thách” đối với bộ môn khoa học dự đoán khí hậu. Các nhà khoa học nhất trí rằng, việc đốt nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu trong thời gian dài và sự biến đổi khí hậu tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ từng năm. Song, vẫn còn có nhiều tranh luận về một số nguyên nhân khác.

Người dân tụ tập tại bãi biển St.Kilda (Melbourne, Australia) để giải nhiệt trong đợt nắng nóng khắc nghiệt ở quốc gia này

Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là sự thay đổi trong mô hình mây, ô nhiễm không khí và khả năng lưu trữ carbon của Trái Đất. Ông Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian Goddard (NASA) thông tin, nhiệt độ Trái đất nóng lên vào năm 2023 cao hơn hẳn so với các năm khác và năm 2024 cũng như vậy. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình đánh giá những gì đã xảy ra và cố gắng tìm ra sự thay đổi trong hoạt động khí hậu.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), qua theo dõi từ tháng 6/2023 đến tháng 9/2024, nhiệt độ toàn cầu không giống trước đây, thậm chí đôi khi còn khác biệt đáng kể. Nhiệt độ tăng cao đến mức khiến năm ngoái và năm nay trở thành những năm nóng nhất trong lịch sử: "Nhiệt độ toàn cầu nóng lên kỷ lục trong 2 năm qua làm các nhà khoa học lúng túng trong việc nghiên cứu, vì vượt quá giới hạn các mô hình khí hậu hiện có. Nhưng xu hướng nóng lên tổng thể lâu dài không phải là điều bất ngờ, nếu xét đến lượng nhiên liệu hóa thạch đang được đốt cháy”.

Về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cho biết, năm ngoái, hiện tượng La Nina hiếm gặp kéo dài 3 năm gây ra tác động “làm mát” mạnh mẽ Trái đất bằng cách đẩy nhiệt lượng dư thừa vào các đại dương. Năng lượng này được giải phóng trở lại bề mặt khi hiện tượng El Nino ấm lên ngược lại diễn ra vào giữa năm, làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn cao ngay cả sau khi El Nino đạt đỉnh vào tháng 1. “Thật khó để giải thích việc này ở thời điểm hiện tại” – Ông Robert Vautard, thành viên của IPCC, nhóm chuyên gia về khí hậu của LHQ IPCC, cho biết- “Nếu nhiệt độ không giảm mạnh hơn vào năm 2025, chúng ta thực sự sẽ phải nghiêm túc hơn trong tìm hiểu nguyên nhân”.

Năm 2024, có cảnh báo rằng “các bồn chứa carbon của Trái đất- chẳng hạn như rừng già và đại dương hấp thụ CO2 từ khí quyển- đang suy yếu chưa từng có”. Tháng 12, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho biết “Đài nguyên Bắc cực, sau khi khóa chặt C02 trong nhiều thiên niên kỷ, đang trở thành nguồn phát thải ròng”.

Đại diện Viện Nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam (PIK) nhận định, “các đại dương- vốn đóng vai trò là bể chứa carbon và bộ điều hòa khí hậu khổng lồ, đang nóng lên với tốc độ mà khoa học "không thể giải thích đầy đủ". Và đây có khả năng là “dấu hiệu đầu tiên cho thấy một Trái đất bắt đầu mất đi khả năng phục hồi, tuy chưa có căn cứ xác thực nhưng không tloại trừ điều đó”. Đồng thời, cơ quan này cũng dự báo “biến đổi khí hậu có thể nói là thảm họa cận kề, ước tính đến năm 2050, sẽ gây tổn thất 38.000 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế trên thế giới”.

Tùng Anh (Theo PIK)