Cần sớm có hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH cho chủ hộ kinh doanh cá thể

Thứ Ba, 26 /11/2024 14:44

Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, các đại biểu (ĐB) Quốc hội khẳng định, nhiều vấn đề cử tri phản ánh đã được các cơ quan trả lời, giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; giải quyết chính sách BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc…

Đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) khẳng định, việc giải quyết, trả lời kiến nghị ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chú trọng. Các bộ, ngành đã tích cực xem xét, nghiên cứu và trả lời các kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền phụ trách, tiếp thu các kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Bên cạnh đó, nhiều luật và các văn bản hướng dẫn đã được sửa đổi, bổ sung ban hành mới để tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nhiều kiến nghị cũng đã được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và tạo thêm niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Nhà nước.

Liên quan kiến nghị của cử tri về giải quyết chế độ BHXH cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã thực hiện đóng BHXH, ĐB Nga cho biết, tại Nghị quyết số 100 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao nhiệm vụ đối với lĩnh vực LĐ-TB&XH là, trong năm 2023 chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc; các trường hợp thu, chi BHXH không đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh chưa được pháp luật về BHXH quy định

Tiếp tục vấn đề này, trong Nghị quyết số 142 ngày 29/6/2024, Quốc hội đã giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật BHXH. Như vậy, nội dung này đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết và giao nhiệm vụ thực hiện. "Vì vậy, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH nhanh chóng tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh và có văn bản hướng dẫn giải quyết cụ thể để thực hiện chi trả BHXH cho các chủ hộ đã tham gia đóng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ”- ĐB Nga đề nghị.

ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang)

Cũng liên quan đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, các bộ, ngành đã tích cực giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, song tình trạng thiếu vắc-xin, thuốc và thiết bị y tế vẫn xảy ra trong thời gian qua. Bộ Y tế đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và bước đầu tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, giám sát và phát hiện sớm để kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 3012 của Ủy ban Xã hội cho thấy, có 2 nội dung rất đáng quan tâm. Cụ thể, tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp tục diễn ra tại một số BV công lập, chủ yếu là do hạn chế trong công tác tổ chức đấu thầu, đặc biệt việc thiếu vắc-xin đã diễn ra từ cuối năm 2022, nhưng đến tháng 9/2024 vẫn chưa được khắc phục triệt để. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi và có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Một số bệnh trước đây đã được kiểm soát như sởi, bạch hầu thì nay có nguy cơ bùng phát tại một số địa phương.

Cùng với đó, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tiếp tục không đạt mục tiêu trên 90%. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra, tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván đạt cao nhất cũng chỉ được 40,6%, còn lại 8 loại vắc-xin chưa đạt tiến độ, trong đó thấp nhất là tỷ lệ tiêm và uống vắc-xin bại liệt chỉ triển khai được dưới 30%.

“Trẻ em cần được tiêm chủng để phòng bệnh. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc-xin do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai giải quyết, nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thiếu vắc-xin, góp phần đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, đảm bảo chất lượng cuộc sống của thế hệ hôm nay và cả mai sau”- ĐB Hương đề nghị.

Vũ Thu