Chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân: Nhiều lợi ích thiết thực
Việc chi trả các chế độ BHXH thông qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKTM) không chỉ là xu thế tất yếu trong thời đại chuyển đổi số mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2024 ngành BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm bằng phương thức TTKDTM đã có hiệu quả trong các năm trước.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo đó, phải kể đến như: Giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2024 cho BHXH các cấp; chỉ đạo BHXH tỉnh tham mưu với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện phối hợp triển khai đẩy mạnh TTKDTM theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền; tập trung khai thác tối đa các nhóm người hưởng tiềm năng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng DVC trực tuyến và ứng dụng BHXH số (VssID) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng… đặc biệt, giải pháp phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để đẩy mạnh TTKDTM trên nền CSDL quốc gia về dân cư là giải pháp mang tính đột phá trong việc tăng tỷ lệ người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng, tăng cường hiệu quả trong quản lý người hưởng.
Kết quả, đến nay, chi trả các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức TTKDTM tại khu vực đô thị năm 2024 đạt hơn 80%, vượt hơn 20% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhóm người hưởng các chế độ BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp.
(chủ yếu những người thuộc độ tuổi lao động) nhận qua tài khoản cá nhân đã đạt gần 100%. Nhóm người hưởng các chế độ hàng tháng tăng mạnh so với năm 2023.
Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên toàn quốc (cả khu vực đô thị và nông thôn) có sự phát triển vượt bậc, từ 40% người hưởng nhận chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân (tháng 3/2024- thời điểm triển khai Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Công an) lên 78% (tính đến hết tháng 12/2024). Nhiều địa phương đã đạt tỷ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Nam (99,99%), Hà Tĩnh (99,5%), Hà Nội (99,2%), Hải Phòng (98,6%), Điện Biên (98,4%), Hưng Yên (97,1%), Vĩnh Long (95%), Bắc Giang (94,5%), Bắc Ninh (93,8%), Nghệ An (92,3%), Bình Dương (92,3%),...
BHXH Việt Nam thường xuyên chỉ đạo đối với BHXH các tỉnh có tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH hàng tháng qua phương thức TTKDTM còn hạn chế nghiêm túc đánh giá nguyên nhân và khắc phục; nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp để thu hẹp khoảng cách đối với tỷ lệ trung bình cả nước.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm bớt khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN; đáp ứng việc chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp và quản lý người hưởng theo xu hướng chuyển đổi số tại Đề án 06.
Đồng thời, xác định công tác phục vụ người hưởng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động tập trung tất cả các nguồn lực, không ngừng cải cách thủ tục hành chính và giảm khâu trung gian, xây dựng lộ trình mở rộng triển khai việc cơ quan BHXH trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng phù hợp với hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng phối hợp, đáp ứng của các ngân hàng nhằm mục tiêu chi trả sớm nhất, kịp thời nhất cho người hưởng.
Theo đó, lộ trình được thực hiện từ tháng 6/2024, đến tháng 11/2024 đã triển khai mở rộng 63/63 BHXH tỉnh thực hiện việc cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho 2,65 triệu/3,4 triệu người hưởng trên toàn quốc (đạt 78%), tối ưu hóa quy trình chi trả chế độ BHXH để đảm bảo chính xác và nhanh chóng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người hưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh…
Lợi ích thiết thực
Việc chi trả các chế độ BHXH thông qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là xu thế tất yếu trong thời đại chuyển đổi số mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Cụ thể, đối với người thụ hưởng, có thể nhận tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng mà không cần đến các điểm chi trả, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại một cách tiện lợi và nhanh chóng. Cùng với đó, tăng cường tính an toàn và bảo mật khi hạn chế rủi ro mất cắp hoặc nhầm lẫn khi nhận tiền mặt, đặc biệt với người cao tuổi và những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, góp phần hỗ trợ người dân tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Người dân có thể sử dụng tài khoản để thực hiện các giao dịch thanh toán, gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với cơ quan BHXH: việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thiểu các sai sót, gian lận hoặc thất thoát trong quá trình chi trả. Việc theo dõi và quản lý thông tin thụ hưởng cũng trở nên hiệu quả hơn. Cùng với đó, góp phần tối ưu hóa quy trình quản lý khi việc tự động hóa trong khâu chi trả giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm gánh nặng công việc cho cán bộ BHXH. Đồng thời, tăng cường kiểm soát. Hệ thống thanh toán điện tử cho phép kiểm tra, đối soát thông tin giao dịch nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.
Đối với xã hội: góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số và Chính phủ số, theo đúng định hướng của Đề án 06 và các chính sách của Chính phủ.
Đồng thời, giảm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt giúp tiết kiệm chi phí in ấn, vận chuyển và lưu thông tiền tệ. Tăng tính bền vững và hiện đại hóa. Với thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử sẽ giúp người dân thích nghi với xu thế công nghệ, đồng thời thúc đẩy xã hội không tiền mặt trong tương lai.
Đối với công tác phòng chống tội phạm: Hạn chế các hành vi gian lận. Việc thanh toán qua tài khoản cá nhân với hệ thống xác thực điện tử chặt chẽ giúp giảm nguy cơ giả mạo thông tin để chiếm đoạt tiền BHXH.
Tăng cường giám sát giao dịch: Các giao dịch không dùng tiền mặt được lưu trữ và quản lý minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hành vi bất thường.
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp hiện đại hóa công tác chi trả chế độ BHXH mà còn mang lại nhiều giá trị lâu dài cho cả người dân, cơ quan quản lý và xã hội. Đây là một bước tiến cần thiết trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, hiện đại và minh bạch.
Hà Thủy
- Tạo lập trí tuệ thông minh Việt Nam góp phần phát triển đất nước
- BHXH Việt Nam nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ
- Tiếp tục bứt phá trong chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội
- Vững vàng nền móng chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam
- CCHC tiếp tục được xác định là một trong những trọng tâm