Chung tay hỗ trợ trẻ tự kỷ xây dựng tương lai

Thứ Tư, 02 /04/2025 22:59

Trong khi chờ các cơ quan nhà nước bổ sung và hoàn thiện chính sách đối với người tự kỷ, rất cần sự chung tay hành động của toàn xã hội và hệ thống chính trị để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bệnh tự kỷ, có sự bao dung và giúp đỡ nhiều hơn với người tự kỷ, giúp họ hòa nhập cộng đồng và có một tương lai.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.

Bức tranh đó càng có thêm những gam màu tối đáng báo động, khi tỷ lệ trẻ em mắc chứng này ước tính lên tới 1% số trẻ sinh ra. Số lượng trẻ tự kỷ tăng nhanh, khi chỉ từ năm 2000 đến năm 2007 đã nhân lên tới 50 lần. Cũng theo thống kê, tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường. Những bất thường của rối loạn phổ tự kỷ gây ảnh hưởng kéo dài suốt đời đến các chức năng cá nhân, gây suy giảm chất lượng sống, suy giảm nguồn nhân lực lao động kéo theo gánh nặng kinh tế lâu dài cho cả gia đình và xã hội.

Các chuyên gia ước tính, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ sẽ kéo theo 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ vậy, mỗi năm sẽ có một con số không nhỏ trẻ tự kỷ bước vào tuổi trưởng thành. Đặc biệt, khi các em đến tuổi dậy thì, phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải.

Phần lớn trong số họ phải đối diện với một tương lai mờ mịt khi người thân ngày càng già yếu, chi phí chăm sóc ngày một tăng cao, ít có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân. Tương lai của họ sẽ ra sao, khi cha mẹ không còn nữa cũng là một vấn đề an sinh xã hội gây nhức nhối.

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc xây dựng chính sách an sinh xã hội bảo đảm quyền của người khuyết tật tự kỷ còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập. Dù trẻ tự kỷ được công nhận là một dạng khuyết tật, nhưng hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi và sự hỗ trợ cần thiết từ nhà nước.

Nhiều năm làm công tác quản lý, tư vấn chính sách trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, chúng ta có nhiều cải thiện về chính sách an sinh xã hội nhưng chính sách này vẫn gắn với các đối tượng yếu thế, chủ yếu gắn với các hộ nghèo, cận nghèo, khu vực khó khăn về kinh tế-xã hội, gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà chưa gắn nhiều với đối tượng trẻ em.

Cùng đó, các trợ giúp xã hội chủ yếu vẫn giúp ở ngưỡng thấp để họ có mức sống không quá khó khăn. Còn nếu là trợ cấp xã hội thì phải bảo đảm cho họ có mức sống ít nhất phải ở mức trung bình. Do đó, đến lúc cần phải phân định rõ chính sách an sinh xã hội về trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội, điều này trong chính sách chưa quy định rõ.

Hoàn thiện chính sách cho trẻ tự kỷ

Trước thực tế số trẻ tự kỷ có thể học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là các trường cấp 2, cấp 3 còn rất ít, ở góc độ nhà quản lý, tham mưu chính sách, TS.Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) khẳng định, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ là trẻ em khuyết tật. Đây là vấn đề liên quan chặt chẽ tới chính sách dành cho các em. Tuy nhiên, việc xác định này cần có sự vào cuộc của các cơ quan y tế có thẩm quyền.

Trong Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định rất rõ 3 phương thức giáo dục dành cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ em rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, bao gồm: Giáo dục chuyên biệt, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục hòa nhập, trong đó, phương thức giáo dục hòa nhập vẫn được quan tâm nhất.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí cho biết, hiện nay, cần phải quan tâm tới việc phân loại các em vào từng phương thức nào cho phù hợp nhất. Gần đây, đơn vị đã tham mưu để thành lập các trường, lớp riêng dành cho từng nhóm đối tượng. Sắp tới đây, sẽ tiếp tục tư duy để tham mưu, bổ sung nội dung học nghề vào chương trình đào tạo để các em tự kỷ có thể tự kiếm sống được trong tương lai.

Là cơ quan chức năng có vai trò quan trọng trong tư vấn và xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, trong đó có trẻ tự kỷ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng - đại diện Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, để hỗ trợ trẻ em mắc chứng rối loạn tự kỷ, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện và tham mưu chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ.

Đồng thời, nâng cao hoạt động truyền thông, nhận thức xã hội, đặc biệt đối với cha mẹ trong việc phát hiện và can thiệp sớm. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho cha mẹ và đội ngũ cán bộ y tế. Hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp trẻ em tự kỷ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Thanh Hằng