Chuyển đổi dựa trên dữ liệu để đảm bảo an sinh xã hội thông minh, linh hoạt và toàn diện
Đây là chủ đề của Hội nghị Quốc tế ISSA lần thứ 17 về công nghệ thông tin và truyền thông trong an sinh xã hội (ICT 2024), diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/3, tại Bali (Indonesia). Hội nghị do Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) phối hợp với Cơ quan Quản lý An sinh xã hội ngành Y tế (BPJS Kesehatan) Indonesia tổ chức.
ICT 2024 sẽ là cơ hội để tìm hiểu về quản lý công nghệ thông tin (CNTT), thảo luận các chiến lược để vượt qua thách thức và hướng tới tương lai kỹ thuật số dựa trên dữ liệu của an sinh xã hội. Hội nghị tập trung vào vai trò của dữ liệu như một yếu tố chính của chuyển đổi số tổ chức; cách thức chuyển đổi số cho phép các tổ chức an sinh xã hội đổi mới dịch vụ; cũng như cách sử dụng dữ liệu an toàn và dự đoán các mô hình CNTT mới...
ICT 2024 là cơ hội để các tổ chức an sinh xã hội tìm hiểu về quản lý CNTT
Theo ISSA, các tổ chức an sinh xã hội trên khắp thế giới đang theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng, nhằm mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, tăng cường khả năng phục hồi, thúc đẩy sự hòa nhập và xây dựng các dịch vụ lấy con người làm trung tâm. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi các tổ chức an sinh xã hội phải linh hoạt, phản ứng nhanh và đổi mới; đồng thời coi chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số là trung tâm của những nỗ lực này.
Điều này được thực hiện trong bối cảnh dữ liệu đã trở thành trụ cột chính hỗ trợ các mục tiêu khác nhau và lấy khách hàng làm trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ, cải thiện trải nghiệm của khách hàng và tăng cường tác động của an sinh xã hội. Các cơ hội và thách thức do dữ liệu mang lại sẽ thúc đẩy đổi mới và áp dụng các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa các quy trình, xây dựng các dịch vụ thông minh và được cá nhân hóa. Tuy nhiên, bản chất ngày càng kết nối và phức tạp của các công nghệ, cũng như sự phát triển nhanh chóng của chúng, đòi hỏi phải tăng cường quản trị và quản lý CNTT và truyền thông hợp lý, nhằm bảo vệ và minh bạch dữ liệu.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số đã trở thành một điều bắt buộc, không chỉ để đảm bảo phạm vi bao phủ và cải thiện việc cung cấp dịch vụ, mà còn để đảm bảo khả năng phục hồi trong một thế giới đầy biến động. Bởi, khả năng phục hồi của các tổ chức phụ thuộc vào khả năng bảo mật dữ liệu. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính toàn vẹn trong hoạt động, để chống lại sự gián đoạn hoặc các mối đe dọa liên quan đến cơ sở hạ tầng CNTT, trong khi vẫn linh hoạt ứng phó với các sự kiện cực đoan và khó lường trước...
Các chuyên gia trình bày tham luận tại Hội nghị
Tại ICT 2024 cũng sẽ có các cuộc thảo luận và trình diễn trực tiếp về các mô hình ứng dụng CNTT mới như: Trí tuệ nhân tạo để tự động hóa các quy trình và xây dựng các dịch vụ thông minh hơn; các dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm và các ứng dụng thông minh hơn tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng hướng đến khách hàng; hợp tác giữa các tổ chức để tăng cường khả năng tiếp cận kỹ thuật số của tất cả khách hàng và các công nghệ trao đổi dữ liệu, chẳng hạn như: Blockchain, năng lực an ninh mạng, khả năng phục hồi hoạt động kỹ thuật số.
Chương trình bao gồm các bài thuyết trình tình huống, hội nghị bàn tròn dành cho các nhà lãnh đạo, hướng dẫn thực hành, trình diễn và tranh luận trực tiếp trong các phiên họp toàn thể và tương tác nhóm. Trong đó, nổi bật như: Chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm hội nghị bàn tròn của CEO về chiến lược số hóa và khả năng phục hồi; trí tuệ nhân tạo và an sinh xã hội được kết nối dựa trên dữ liệu; vai trò của các tổ chức an sinh xã hội trong việc phát triển CSDL quốc gia; các ứng dụng lấy khách hàng làm trung tâm theo mặc định; an ninh mạng là thành phần chính của khả năng phục hồi hoạt động kỹ thuật số…
Thanh Hằng
- ISSA kêu gọi G20 mở rộng an sinh xã hội cho tất cả NLĐ
- An sinh xã hội: Xu hướng, thách thức và giải pháp
- Chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội: Cần chú trọng đảm bảo bình đẳng giới
- Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ BHXH toàn dân
- Đoàn đại biểu BHXH Việt Nam tham dự Diễn đàn ASXH thế giới lần thứ 39 tại Ma-Rốc