Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 của ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai chính sách

Thứ Năm, 02 /01/2025 15:15

Năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Công tác này giúp đảm bảo tính khả thi và sự đồng bộ của các chính sách, tạo thuận lợi cho việc thi hành và bảo vệ quyền lợi của người dân, người lao động.

Về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ

Ngay từ đầu năm 2024, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT năm 2024 (Kế hoạch số 502/KH-BHXH ngày 29/2/2024). Theo đó, BHXH Việt Nam chú trọng tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP; phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình thi hành pháp luật BHXH, BHYT để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong việc thi hành pháp luật. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, 63 BHXH tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ về tình hình theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương.

Công tác thi hành pháp luật của ngành BHXH Việt Nam được thực hiện đúng quy định

Liên quan công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, năm 2024, BHXH Việt Nam đã thực hiện kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại 7 BHXH tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Vĩnh Long. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, việc triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của BHXH các tỉnh, thành phố đã đạt những kết quả nhất định, đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT. Sau kiểm tra, BHXH Việt Nam đã ban hành kết luận kiểm tra và thông báo kết quả việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện Kết luận kiểm tra đúng quy định.

Về bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật về BHXH, BHYT

Để bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật, BHXH Việt Nam luôn kịp thời tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến BHXH, BHYT nhằm triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, đa dạng hình thức phổ biến pháp luật BHXH, BHYT như: Tổ chức hội nghị trực tiếp/trực tuyến về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; thường xuyên đăng tải văn bản quy phạm pháp luật; cập nhật kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ mới của Ngành; các chuyên mục tư vấn, hỏi đáp về chính sách BHXH, BHYT trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng của Trung ương và địa phương đăng tải các tin, bài, phóng sự, chuyên mục, phối hợp với UBND các xã, phường phổ biến, giáo dục pháp luật qua loa phát thanh; lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hội nghị, các cuộc họp giao ban đầu giờ, họp chi bộ, họp cơ quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của đoàn viên Công đoàn và Đoàn Thanh niên; chuyển tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Ngành (eoffice), chuyển qua hộp thư điện tử của cá nhân; phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT; treo băng rôn, pano, áp phích…

Do vậy, 100% cán bộ, viên chức của Ngành đã được quán triệt, phổ biến các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là cơ sở và điều kiện thuận lợi cho việc thi hành pháp luật BHXH, BHYT.

Về tình hình tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT

Thứ nhất, về tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, số liệu thống kê cho thấy, có tổng số 2.540 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh thuộc thẩm quyền, đủ điều kiện thụ lý. Trong đó, khiếu nại có 53 đơn, tố cáo có 15 đơn, kiến nghị phản ánh có 2.472 đơn. Kết quả, toàn Ngành đã giải quyết 51/53 đơn khiếu nại, đạt tỷ lệ 96,2%, trong đó có 29 vụ việc giải quyết bằng quyết định hành chính, 22 vụ việc rút đơn thông qua giải thích và thuyết phục; giải quyết 14/15 đơn tố cáo, đạt tỷ lệ 93,3%, trong đó có 10 vụ việc giải quyết lần đầu, 4 vụ việc rút toàn bộ nội dung tố cáo và 2.446/2.472 đơn kiến nghị phản ánh.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại đơn vị sử dụng lao động

Thứ hai, về tình hình tuân thủ của các tổ chức, cá nhân. Thống kê cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của các nhân, tổ chức đối với các hành vi, quyết định hành chính, quyết định về BHXH của cơ quan BHXH như sau: Từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024, toàn ngành BHXH Việt Nam phát sinh 9 bản án/quyết định của Tòa án về vụ án hành chính liên quan đến việc khởi kiện các quyết định giải quyết chế độ BHXH và cấp thẻ BHYT cho người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó có 5 bản án đã có hiệu lực pháp luật và 4 bản án chưa có hiệu lực pháp luật do đang giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Việc khởi kiện các quyết định giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH chủ yếu liên quan đến những vấn đề phức tạp như việc xem xét cộng nối thời gian công tác liên tục có tính hưởng chế độ BHXH đối với cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995. Cơ quan BHXH luôn quán triệt, chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. BHXH Việt Nam thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn BHXH các tỉnh trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân. Năm 2024, toàn Ngành đã thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 6.812 đơn vị, kiểm tra tại 7.201 đơn vị và thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 3.312 đơn vị. Kết quả: Sau thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, BHYT, các đơn vị đã nộp khắc phục được 1.870.963.49 triệu đồng (bằng 52,5% tổng số tiền phải nộp do vi phạm). Cơ quan BHXH đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 1.968 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt phải nộp NSNN là 70.251,71 triệu đồng.

Sau kiểm tra công tác giải quyết, chi trả các chế độ, cơ quan BHXH đã yêu cầu thu hồi số tiền 11.316,82 triệu đồng do hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; kiến nghị thu hồi về quỹ BH thất nghiệp số tiền 879,15 triệu đồng do hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 169.092,17 triệu đồng do chi phí KCB BHYT không đúng quy định.

Về một số khó khăn, vướng mắc

Về tình hình tuân thủ pháp luật, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị sử dụng lao động còn thấp, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT; nhận thức về pháp luật của một số người khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, nhiều trường hợp đã có bản án phúc thẩm của Tòa án nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có cơ quan BHXH, gây phức tạp tình hình; việc truy thu BHXH, BHYT đối với người lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian gặp khó khăn do sau khi thanh tra, kiểm tra hoặc có kết luận thanh tra, kiểm tra thì số người lao động này đã nghỉ việc, nên chủ sử dụng lao động không thực hiện truy đóng cho người lao động.

Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc giải quyết chế độ, chính sách và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền lợi BHXH của người lao động trước hết thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động, nhưng không được xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng, gây tâm lý bức xúc cho người lao động, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo đến cơ quan BHXH.

Về quy định của pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) quy định biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu liên quan phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, chưa thực sự phù hợp đối với các đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị ở địa bàn xa, phương tiện đi lại khó khăn. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp trong trường hợp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp của đơn vị là 0 đồng, đến nay còn có quan điểm khác nhau về tính mức tiền xử phạt.

Đáng chú ý, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính. Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHYT theo quy định... mà không có khả năng, công cụ thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cố ý và có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP.

Đồng thời, hiện chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động. Do đó, việc xử lý vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT chủ yếu là phạt pháp nhân thương mại. Điều này dẫn đến việc, người điều hành, quản lý doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoặc cố tình để doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Có thể nói, thông qua việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã giúp BHXH Việt Nam kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện pháp luật, để từ đó ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ, tạo thuận lợi cho việc thi hành hoặc tổng hợp chung vướng mắc để kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Việt Anh