Cuộc khủng hoảng “học sinh không đến trường” ở Mỹ

Thứ Sáu, 05 /04/2024 17:13

Ở Mỹ, tình trạng học sinh không đến lớp ngày càng phổ biến, với lý do được nêu ra liên quan đến bệnh tật, sức khỏe, tâm lý, vấn đề đi lại cũng như văn hóa giáo dục hình thành từ thời kỳ đại dịch COVID-19.

Trong một bài xã luận mới đây, báo New York Time đã phản ánh một hiện tượng đáng lo ngại có từ vài năm trước, đó là học sinh không đến trường và hiện tượng ngày đang bắt đầu lan rộng trong ngành giáo dục Mỹ. 

Vào mùa Xuân năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều trường học đóng cửa. Cho đến mùa Thu năm 2021, một số trường học vẫn trong tình trạng không mở cửa hoàn toàn trở lại. Hoạt động kiểm dịch đối với COVID-19 khi đó vẫn còn phổ biến, và nhiều người nghĩ sẽ mất một khoảng thời gian để thiết lập lại các thói quen đến trường trước đó. 

Tuy nhiên, thực tế lại không thay đổi nhiều sau khi COVID-19 được kiểm soát. Nếu như trước đại dịch, tỷ lệ học sinh vắng mặt thường xuyên ở lớp là 15% (tương đương nghỉ học trung bình 18 ngày trong một năm học vì bất kỳ lý do gì), thì đến năm 2021-2022, con số này tăng vọt lên 28%, và trong năm học vừa qua là 26%.

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều nhà giáo dục cho biết vấn đề trên vẫn tiếp diễn trong năm học này.

Theo các lãnh đạo nhà trường, cố vấn, nhà nghiên cứu và phụ huynh, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều học sinh không đến trường, bao gồm bệnh tật, sức khỏe, tâm lý, và vấn đề đi lại. Nhưng phía sau tất cả là sự thay đổi cơ bản về giá trị mà các gia đình đặt vào trường học cũng như văn hóa giáo dục trong thời kỳ đại dịch.

Ở một mức độ nào đó, đây là một vấn đề mà xã hội nói chung phải đối mặt kể từ sau đại dịch. Bất cứ ai làm việc trong một văn phòng có chính sách làm việc từ xa (trực tuyến) linh hoạt đều sẽ quen với cảm giác: Bạn chăm chỉ đến chỗ làm nhưng đồng nghiệp lại không có mặt, vậy có vấn đề gì không? 

Và điều tương tự có thể đang diễn ra ở trường học. Tuy các trường học vẫn mở cửa, các lớp học trực tiếp và hoạt động thể thao, hoạt động ngoại khóa các loại cũng trở lại bình thường hoàn toàn, sự ổn định như trước kia dường như đã thay đổi.

Một vấn đề khác nữa là giáo viên cũng ít lên lớp hơn, thường là do kiệt sức trong công việc hoặc do khó khăn vì kể từ sau đại dịch, nhiều người thực sự phải ở nhà khi họ bị ốm.

Ngoài ra, một số trường vẫn duy trì chính sách thời đại dịch đối với việc học trực tuyến, tạo ảo tưởng rằng việc học trực tiếp trên lớp là không cần thiết.

Tình trạng ngày càng nhiều học sinh vắng mặt ở trường giúp giải thích lý do tại sao học sinh Mỹ nói chung không thể bù đắp được những lỗ hổng kiến thức trong học tập do đại dịch. Những học sinh tụt hậu trong học tập có thể không muốn đến trường, nhưng tình trạng nghỉ học cũng khiến các em càng bị hổng kiến thức.

Tại Mỹ, năm học thường kéo dài 180 ngày, từ đầu mùa thu (ở Bắc bán cầu) đến đầu mùa Hè. Kỳ nghỉ Hè thường kéo dài khoảng 2 tháng rưỡi. Học sinh kết thúc năm học từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 và bắt đầu năm học mới từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Trong khi đó, kỳ nghỉ đông thường kéo dài 1-2 tuần, 1 tuần trước lễ Giáng sinh và 1 tuần sau ngày đầu tiên của năm mới. Học sinh ở nước này còn có kỳ nghỉ Xuân kéo dài 1 tuần, có thể là tuần trước hoặc sau lễ Phục sinh vào tháng 3 hoặc tháng 4. Một số bang có thể cho học sinh nghỉ thu, từ 1 đến 2 tuần từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

Hoàng Dương