Đà Nẵng: Từ năm 2022- 2024, chi 67.839 triệu đồng cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo

Thứ Năm, 20 /02/2025 09:37

Trong giai đoạn 2022-2024, ngân sách TP.Đà Nẵng đã chi 67.839 triệu đồng để cấp 74.535 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, TP.Đà Nẵng cấp thẻ BHYT cho người nghèo theo chuẩn Trung ương là 15.159 thẻ, với số tiền 15.362 triệu đồng; người nghèo theo chuẩn TP.Đà Nẵng là là 40.231 thẻ, số tiền 37.759 triệu đồng; người cận nghèo theo chuẩn Trung ương là 4.095 thẻ, số tiền 3.044 triệu đồng; người cận nghèo theo chuẩn TP.Đà Nẵng là 15.050 thẻ, số tiền 11.674 triệu đồng.

Về thanh toán chi phí KCB BHYT, người nghèo chuẩn Trung ương sử dụng thẻ BHYT để KCB BHYT là 62.180 lượt người, cơ quan BHXH TP. Đà Nẵng đã chi trả 100% chi phí, tổng cộng 71.042 triệu đồng.

Người nghèo chuẩn TP.Đà Nẵng sử dụng thẻ BHYT để KCB BHYT là 74.684 lượt người, cơ quan BHXH chi trả 80% chi phí, tổng cộng 54.444 triệu đồng (Ngân sách hỗ trợ chi trả 20% theo Nghị quyết 45/2022/NQ-HĐND 11.129 triệu đồng).

Người cận nghèo chuẩn Trung ương sử dụng thẻ BHYT để KCB BHYT là 12.841 lượt người, cơ quan BHXH chi trả 95% chi phí, tổng cộng 10.706 triệu đồng.

Người cận nghèo chuẩn TP. Đà Nẵng sử dụng thẻ BHYT để KCB BHYT là 28.580 lượt người, cơ quan BHXH chi trả 80% chi phí, tổng cộng 16.375 triệu đồng.

Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn thành phố Đà Nẵng là hộ gia đình có thu nhập bình quân trên đầu người từ 2-3 triệu đồng/tháng sống ở khu vực nông thôn; hộ gia đình có thu nhập bình quân trên đầu người từ 2,5 - 3,75 triệu đồng/tháng sống ở khu vực thành thị.

Không chỉ các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT, TP. Đà Nẵng dự định sẽ hỗ trợ BHYT theo hộ gia đình với người từ 60-75 tuổi thuộc diện cận nghèo và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn TP. Đà Nẵng. Theo đó, ngày 14/2, UBND TP.Đà Nẵng đã có tờ trình gửi HĐND TP.Đà Nẵng về nghị quyết hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo hộ gia đình với người từ 60-75 tuổi thuộc diện cận nghèo và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn TP.Đà Nẵng.

Chính sách BHYT là một trong những trụ cột của an sinh xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Đây là chính sách đặc thù, nhằm góp phần giảm thiểu gánh nặng về tài chính, chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe của người cao tuổi và mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9/2/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.

Theo Dự thảo, TP.Đà Nẵng sẽ có khoảng 6.180 người thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này; năm 2025, ngân sách TP. Đà Nẵng hỗ trợ đóng 100% BHYT khoảng 7,8 tỷ đồng. Hiện toàn Thành phố có 1.150.149 người tham gia BHYT, độ bao phủ BHYT toàn dân là 94,26% (chưa tính đối tượng LLVT, cơ yếu). Hiện 100% cơ sở KCB tiếp nhận thẻ BHYT trên CCCD gắn chíp trên ứng dụng VneID hoặc VssID; năm 2024, đã có hơn 4 triệu lượt tra cứu thẻ BHYT, trong đó có hơn 3.8 triệu lượt tra cứu thành công bằng CCCD gắn chíp trên VneID hoặc VssID. Năm 2024, giải quyết, đảm bảo đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật cho người KCB BHYT; theo đó, chi trả KCB BHYT cho 3.015.033 lượt người, với số tiền 2.983.701 triệu đồng; so với 2023 tăng 3,45% về số lượt người và 16,66% về số tiền.

Tuy nhiên, mặc dù độ bao phủ BHYT toàn dân ở TP.Đà Nẵng khá cao, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia còn hạn chế, tốc độ tăng độ bao phủ BHYT chậm. UBND TP. Đà Nẵng đánh giá nhóm người từ 60 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là những người đã hết tuổi lao động. Nhiều hộ gặp khó khăn trong việc tạo thu nhập hoặc bị giảm sút thu nhập, dễ gặp rủi ro ốm đau, bệnh tật. Hiện nay, đã có các nghị quyết về việc hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn thành phố, hộ thoát nghèo theo chuẩn thành phố, đối tượng bảo trợ xã hội, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Lê Văn