Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn tuyển chọn, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023 (BHXH Việt Nam) đã họp tư vấn, tuyển chọn Đề tài khoa học Nghiên cứu, đề xuất, đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội do Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Thuyết minh các nội dung cơ bản của Đề tài, ThS.Nguyễn Thị Hải Hòa- Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Chủ nhiệm Đề tài cho biết, nghiên cứu Đề tài nhằm đánh giá các tác động và đề xuất kiến nghị đối với việc Việt Nam gia nhập Công ước số 102 của ILO. Theo đó, thực hiện Đề tài sẽ giúp cung cấp, làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất Việt Nam tham gia Công ước, góp phần triển khai thực hiện quan điểm về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH được đề cập trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đồng thời góp phần xây dựng kế hoạch phê chuẩn một số công ước và khuyến nghị của ILO về BHXH.
“Nghiên cứu cũng sẽ góp phần rà soát hệ thống, đánh giá các quy định trong chính sách BHXH tại Việt Nam và những yêu cầu, quy định tối thiểu về an sinh xã hội theo Công ước 102. Trong đó tập trung vào các chế độ: Trợ cấp ốm đau; trợ cấp thất nghiệp; trợ cấp tuổi già; trợ cấp TNLĐ-BNN; trợ cấp gia đình; trợ cấp thai sản và trợ cấp tiền tuất”- bà Nguyễn Thị Hải Hòa cho biết.
Nhóm nghiên cứu nhận định, đối với lĩnh vực về lao động, việc làm và an sinh xã hội, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước của ILO. Theo đó, chính sách BHXH cơ bản được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các khuyến nghị của Công ước 102 của ILO. Qua đó, chính sách BHXH tại Việt Nam cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra theo Công ước. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa chính thức tham gia vào Công ước 102. Trong đó, việc tham gia Công ước 102, trong đó có những đảm bảo về lao động, việc làm và an sinh xã hội sẽ trở thành những nội dung không thể thiếu trong các Hiệp định thương mai tự do thế hệ mới.
Đề tài dự kiến có những nội dung cơ bản như: Thực tiễn, khả năng tham gia Công ước số 102 của ILO; đánh giá thực tiễn triển khai các chế độ, chính sách quy định tối thiểu an sinh xã hội tại Việt Nam; đánh giá tác động của việc ra nhập Công ước trong lĩnh vực kinh tế- xã hội, những thách thức đối với thực hiện chính sách BHXH khi Việt Nam ra nhập Công ước. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để Việt Nam sớm tham gia Công ước 102; đề xuất các nội dung cơ bản của Kế hoạch thực hiện liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, DN và người dân. Đề xuất những điều chỉnh cần thiết trong quy định pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách về BHXH trong nước để đáp ứng các điều kiện tham gia Công ước…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Theo các thành viên Hội đồng, những kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính sách BHXH tại Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào sự hiệu quả khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại song phương, đa phương và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. “Đây là một đề tài khó và phức tạp nhưng là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc chuẩn bị và thuyết minh kỹ lưỡng Đề tài sẽ góp phần đưa ra được những định hướng cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nói.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng như: Cần làm sắc nét, nổi bật hơn tính cần thiết của Đề tài; phạm vi nghiên cứu của Đề tài và định hướng được các nội dung nghiên cứu theo hướng đưa ra các giải pháp, các yếu tố công cụ hoạt động hiệu quả... để việc nghiên cứu khoa học đi theo đúng định hướng, đảm bảo tính thực tiễn và nghiệm thu được Đề tài trong thời gian tới.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua đề cương thuyết minh Đề tài trên cơ sở Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung theo đề xuất của các thành viên Hội đồng đưa ra. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, triển khai các nội dung nghiên cứu hiệu quả”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị.
Hà Thủy
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam
- Xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam