Dấu ấn nơi miền biên viễn

Chủ nhật, 26 /01/2020 06:18

Được giao phụ trách công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong 2 năm qua, chị Đàm Thị Phương Thảo- Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An (Cao Bằng) luôn “trăn trở và nặng lòng” với công tác phát triển BHXH tự nguyện.

“Thích”… đi tuyên truyền

Dừng chân tại một quán nhỏ ở vùng đất Thạch An, tôi nảy ý định hỏi người dân xem họ có biết đến chính sách BHXH tự nguyện hay không. Vừa nghe tôi hỏi, chị chủ quán vồn vã đáp: “Có chứ em, ai mà chả biết BHXH tự nguyện, tham gia sau này có lương hưu”...

Chị Đàm Thị Phương Thảo đang vận động một chủ quán ăn tham gia BHXH, BHYT

Sau một hồi trò chuyện, tôi được biết chị là Nguyễn Thị Hồng (36 tuổi). Mặc dù gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng chị vẫn tham gia BHXH tự nguyện ở mức 700.000 đồng/tháng. Theo chị Hồng, trước đây chị chưa bao giờ dám nghĩ đến một ngày mình sẽ được hưởng lương hưu. “Hơn 6 tháng trước, chị được mời tham gia hội nghị tuyên truyền tại xã, mới đầu ngại không đi vì nghĩ tham gia sẽ mất nhiều tiền. Nhưng được cán bộ Thảo (Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An- PV) giới thiệu, chị mới biết là có nhiều mức đóng khác nhau. Đắn đo mãi, cuối cùng chị quyết định tham gia mức đóng 700.000 đồng/tháng”- chị Hồng kể.

Cũng theo chị Hồng, ngày trước nhiều người vẫn nghĩ BHXH chỉ dành cho cán bộ nhà nước và NLĐ trong DN. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền nhiệt tình, chu đáo của BHXH huyện nên giờ đây, xã chị hầu hết đều biết đến chính sách này.

Chị Đàm Thị Phương Thảo- Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An, khá ngạc nhiên khi tôi tìm đến trụ sở BHXH huyện. Mời tôi vào căn phòng nhỏ ngay cạnh bộ phận “Một cửa”, chị ân cần hỏi han tôi về chuyến đi và chăm chú nghe tôi kể lại câu chuyện mình vừa chứng kiến. Rồi chị bảo, mỗi người có một nghề, một sở thích riêng, như em thì thích đi ngao du khắp nơi, còn chị chỉ thích đi… tuyên truyền.

Thấy tôi ngỡ ngàng, chị liền giải thích: “Cũng là người dân tộc (dân tộc Nùng) nên chị rất hiểu và thương đồng bào nơi đây hiền lành, chất phác, quanh năm sống trong đói nghèo. Khi về già họ lại càng khó khăn hơn. Con đường duy nhất để đảm bảo cuộc sống sau này cho họ là tham gia BHXH. Chính vì thế, chị luôn suy nghĩ làm sao đi được nhiều nhất có thể để vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện. Với chị, tuyên truyền trực tiếp là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người dân biết và tham gia”. Vì vậy, mỗi khi tổ chức hội nghị tuyên truyền, dù bận đến mấy, chị Thảo vẫn chủ động sắp xếp công việc để xuống tận nơi tuyên truyền cho người dân. “Nhiều khi đường sá vào các vùng sâu rất khó khăn, nhưng không xuống tận nơi, mình lại cảm thấy không yên tâm”- chị Thảo trải lòng.

Với động lực “tăng được một người tham gia BHXH tự nguyện, đồng nghĩa với niềm tin khi về già sẽ có thêm một người dân có tiền lương hưu và có tấm thẻ BHYT đồng hành suốt cuộc đời”, 2 năm nay, chị Thảo vẫn hàng ngày tranh thủ thời gian rảnh trực tiếp đi tư vấn, vận động đồng bào tham gia.

Cách làm hay…

Cuối năm 2017, khi được bổ nhiệm Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An phụ trách phát triển đối tượng, chị Thảo đã tìm tòi, thực hiện nhiều giải pháp và chỉ sau một năm đã mang lại kết quả rất tích cực. Theo đó, năm 2018, huyện phát triển BHXH tự nguyện đạt 179% kế hoạch được BHXH tỉnh giao, trong đó riêng cá nhân chị Thảo phát triển được 58 người tham gia.

Chị Đàm Thị Phương Thảo trong một buổi tuyên truyền tại cơ sở

Bật mí về kinh nghiệm, chị Thảo bảo, thời gian qua Nghị quyết 28-NQ/TW là kim chỉ Nam, giúp gỡ rất nhiều nút thắt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong đó quan trọng nhất là thời gian đóng và hưởng phù hợp hơn với điều kiện, nguyện vọng của người dân. Cùng với đó là sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của chính quyền cơ sở và các tổ chức, đoàn thể. Còn với riêng chị, việc nắm rõ thông tin đối tượng tiềm năng là điều rất quan trọng. Vì vậy, khi chuẩn bị tổ chức hội nghị tuyên truyền, chị đều chủ động liên hệ với các xã để phối hợp tổ chức; đồng thời chủ động tìm hiểu kỹ tình hình địa bàn, định hướng để xã mời đúng đối tượng có khả năng vận động và tham gia bền vững cũng như tiết kiệm thời gian đi lại của người dân.

Ngoài ra, chị Thảo cũng luôn trực tiếp tham gia các hội nghị tuyên truyền nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ngay khi có hồ sơ tăng mới từ Bưu điện, chị yêu cầu các bộ phận tiến hành in và giao tận tay sổ BHXH cho người mới tham gia, tạo sự chuyên nghiệp và hiệu ứng tốt với người dân. Chị cũng trực tiếp giám sát, đôn đốc về tỉ lệ tăng giảm đối tượng của các tháng với phương châm “giảm 1 đối tượng thì phải tăng được 1 đối tượng”. Bên cạnh đó, trực tiếp bố trí cán bộ “Một cửa” kiêm luôn công tác tuyên truyền để nhanh chóng tiếp cận giải thích, vận động những đối tượng đến thanh toán BHXH 1 lần, đối tượng hết hạn hưởng BH thất nghiệp tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Vì thế, trong năm 2019, riêng bộ phận “Một cửa của BHXH huyện đã tăng mới được gần 50 người tham gia BHXH tự nguyện. Riêng chị Thảo đã vận động tuyên truyền tăng mới được trên 70 người tham gia BHXH tự nguyện.

Qua thực hiện các sáng kiến và giải pháp trên, BHXH huyện Thạch An đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao lần 1 vào tháng 5/2019; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao lần 2 ngày 27/9/2019; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao lần 3 ngày 30/9/2019 và phấn đấu hết năm hoàn thành 120%.

Ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng cho rằng, kết quả mà BHXH huyện Thạch An đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy là địa phương có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, với trên 90% diện tích canh tác là đồi núi, nhưng trong 2 năm qua, BHXH huyện Thạch An luôn là một trong những địa phương đi đầu trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Hằng Nguyễn