ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình): Nên giữ nguyên lộ trình thông tuyến KCB BHYT như hiện nay
Phát biểu tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị giữ nguyên lộ trình thông tuyến KCB BHYT như hiện nay, để không lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở.
Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật BHYT và đề xuất thông qua Luật này theo quy trình một kỳ họp, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, Dự thảo Luật có những điều khoản sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2025, nên có thể có những văn bản quy định thường có hiệu lực ngay, dẫn đến khó khăn cho các cơ sở KCB. Do đó, Ban soạn thảo xem xét những gì quy định được trong Luật thì cố gắng quy định cụ thể và khẩn trương hoàn thiện các dự thảo quy định hiện giao cho các cấp.
Cũng theo ĐB Khánh Thu, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến KCB ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến. Mặc dù điều này có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn, nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên KCB tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.
Theo phân tích của ĐB Khánh Thu, các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện “thông tuyến” (năm 2016 thông tuyến huyện; tỷ lệ lượt KCB tuyến huyện từ 43,3% ở năm 2015 đã tăng lên trên 60% vào năm 2023. Trong khi đó, tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023. Năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ KCB nội trú, tỷ lệ lượt KCB thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh đã tăng từ 30,5% năm 2021 lên trên 40% năm 2023, khiến chi phí sẽ tăng lên.
"Như vậy, nếu quy định như Dự thảo Luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy và các mục tiêu của Nghị quyết 20 và Chỉ thị 25 có nguy cơ không đạt được; gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua”- ĐB Khánh Thu nhấn mạnh.
ĐB Trần Khánh Thu còn chỉ rõ, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi KCB BHYT vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên. Còn bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý KCB cho người dân; giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính, còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị… giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị được nhanh chóng, thuận tiện.
Chính vì vậy, cần giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB BHYT hiện nay, nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo. Theo đó, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần dùng trọn quá trình điều trị, chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, để có thể điều trị, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn y tế. Cùng với đó, tăng cường các quy định để giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.
Nguyệt Hà
- Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BHXH và Nghị quyết số 142 của Quốc hội
- Diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin của ngành BHXH Việt Nam: Nâng cao khả năng phòng thủ qua góc nhìn kẻ tấn công
- Từ 25/12, tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải xác thực bằng số điện thoại di động
- Kỹ năng phòng tránh các hình thức lừa đảo trực tuyến
- TP.Cần Thơ: 989 trường hợp lạm dụng BH thất nghiệp cần thu hồi