Đề nghị trốn đóng BHXH từ 3 tháng trở lên sẽ bị cấm xuất cảnh
Chiều 16/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật BHXH (sửa đổi), với sự tham dự của đại diện nhiều sở, ban ngành, đoàn thể, hội nghề nghiệp.
Góp ý tại Hội thảo, bà Ung Thị Xuân Hương- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (Nguyên Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra đề xuất chế tài hoãn xuất cảnh đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên là quá dài. “Theo tôi, chủ DN trốn đóng BHXH 3 tháng là cấm xuất cảnh được rồi. Nếu xử lý sớm sẽ có tác dụng răn đe, đồng thời tạo hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm của các chủ thể, kịp thời bảo vệ được quyền lợi NLĐ. Nếu để chủ DN chây ỳ đến 11, 12 tháng thì rất khó xử lý”- bà Hương đề xuất.
Bà Ung Thị Xuân Hương đề xuất trốn đóng BHXH 3 tháng sẽ bị cấm xuất cảnh
Theo các đại biểu, trong những năm qua, nhiều chủ DN tại TP.HCM (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài) chây ỳ đóng BHXH của NLĐ kéo dài, rồi sau đó “cao chạy xa bay”. Chỉ khi NLĐ nháo nhác đổ xô đi tìm kiếm thì mới hay chủ DN đã xuất cảnh ra nước ngoài. Đáng nói, trong khoảng thời gian dài trước đó, nhiều DN vẫn hoạt động bình thường, song chủ DN "vô tư" chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của NLĐ lên tới hàng chục tỷ đồng; thậm chí họ có dư thời gian thu xếp các điều kiện cần thiết như bán máy móc, nhà xưởng, gom tiền bán hàng... trước khi xuất cảnh ra nước ngoài.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết- Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nhận định, khi biết chủ DN trốn đóng BHXH và có dấu hiệu rõ, mà chờ đến 12 tháng mới cấm xuất cảnh là quá chậm, bởi để tới tháng 3 thì chủ DN cũng đã về nước rồi. Dẫn chứng việc từng xử lý một vụ trốn đóng xảy ra cách đây vài năm, bà Tuyết cho biết, khi bà cùng ngành chức năng hay tin chủ DN “mất tích” liền tức tốc xuống DN thì chỉ còn mấy cái máy cũ hoen gỉ. Nhấn mạnh những trường hợp xuất cảnh thường rơi vào nhóm chiếm dụng, trốn đóng BHXH, BHYT kéo dài, nên bà Bạch Tuyết đồng tình với kiến nghị cần phải có chế tài mạnh hơn nữa.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất mới nhằm tăng khả năng xử lý vi phạm tại các DN nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT như: Bổ sung quyền khởi kiện cho NLĐ và tổ chức Công đoàn. Bởi, theo các đại biểu, đây là những chủ thể có liên quan trực tiếp đến quyền lợi cá nhân cũng như chức năng bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Khi phát hiện hành vi vi phạm, họ có thể kịp thời khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như đối tượng được bảo vệ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung quyền được kiến nghị khởi tố, tố giác DN có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT là NLĐ và tổ chức Công đoàn...
Về tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, ông Trần Văn Triều- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) cho biết, thời gian qua có rất nhiều DN trên địa bàn TP.HCM lo lắng tình trạng NLĐ nghỉ việc để rút BHXH một lần, nên phải phối hợp và mời cán bộ Trung tâm đến để tư vấn, phân tích cho NLĐ hiểu rõ thiệt thòi họ nhận được.
Theo ông Triều, chúng ta nên lựa chọn phương án 1 của Dự thảo Luật BHXH (đề xuất đóng BHXH sau ngày 1/7/2025 thì không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp được luật quy định). Bởi, theo ông Triều, chọn phương án 1 giống như "đau một lần rồi thôi"; còn nếu cho phép rút BHXH một lần như phương án 2 (được rút không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất) thì NLĐ vẫn sẽ ồ ạt rút, khiến lương hưu là đích đến quá xa vời của NLĐ.
Phạm Thọ
- Vài suy nghĩ về xu thế cải cách BHYT trên thế giới
- Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành BHXH Việt Nam
- Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức hành chính dựa trên kết quả
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật BHYT
- BHXH Việt Nam xác định danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2025