Đề xuất hoàn thiện chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học "Chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014 ở Việt Nam hiện nay và những đề xuất hoàn thiện". Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trong các chế độ BHXH thì chế độ hưu trí là xương sống, hạt nhân, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, một số quy định về chế độ hưu trí trong Luật BHXH năm 2014 cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi.
Theo đó, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, đề ra mục tiêu tổng quát: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
“Xuất phát từ cơ sở lý luận, chính trị và thực tiễn cho thấy, việc nghiên cứu Đề tài “Chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014 ở Việt Nam hiện nay và những đề xuất hoàn thiện” là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân”- ông Đỗ Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Từ sự cần thiết của Đề tài, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra được thực trạng trong tổ chức thực hiện chế độ hưu trí tại Việt Nam. Theo đó, số liệu cho thấy, đến năm 2021, số người tham gia BHXH đạt trên 16,5 triệu người, chiếm tỷ lệ 36,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH bắt buộc có trên 15 triệu người, BHXH tự nguyện có 1,5 triệu người.
Theo đánh giá, cùng với sự phát triển và mở rộng người tham gia BHXH, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH cũng tăng dần theo các năm. Cụ thể, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng năm 2016 là 2,8 triệu người, trong đó hưởng lương hưu khoảng 2,3 triệu người; đến năm 2019 là 3,1 triệu người, trong đó hưởng lương hưu có khoảng 2,6 triệu người; đến năm 2021 là 3,3 triệu người, trong đó hưởng lương hưu có khoảng 2,7 triệu người…
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện chế độ hưu trí. Đơn cử phải kể đến số người tham gia BHXH còn tăng chậm, độ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu về số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, công tác phối kết hợp tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ, công tác tuyên truyền còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, còn có những hạn chế, bất cập như: Mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của khối DN còn thấp so với mức lương thực tế của NLĐ; số người rút BHXH một lần tăng hàng năm; công thức tính lương hưu còn có sự khác biệt giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; điều kiện nghỉ hưu sớm còn rộng rãi; quy định về điều kiện nghỉ hưu như hiện nay chưa công bằng giữa người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; vẫn còn sự chênh lệch giữa người nghỉ hưu; còn thiếu công cụ quản lý người hưởng lương hưu…
Trước thực trạng đã nêu ra trong Đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các nội dung cải cách về chế độ hưu trí; tăng sự liên kết giữa các nhóm chính sách để tăng độ bao phủ BHXH, tăng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội, trong đó chú trọng đến BHXH; thực hiện hiệu quả các chế tài quản lý nhà nước…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ, là một nguồn dữ liệu quý phục vụ đắc lực cho những nghiên cứu về sau. Cùng với đó, Đề tài mang ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ thiết thực cho việc hoạch định và ban hành các chính sách trong tương lai.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài như: Phân tích kỹ hơn những số liệu có được từ khảo sát; bổ sung kinh nghiệm quốc tế gắn với thực tiễn Việt Nam, chỉnh sửa lại bố cục, kết cấu cân đối, phù hợp với yêu cầu đề ra…
Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, đây là một đề tài đang được quan tâm và Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. “Mặc dù là nghiên cứu khoa học, nhưng mang ý nghĩa thực tiễn lớn, là cơ sở góp một phần tiếng nói trong hoàn thiện chính sách BHXH trong những năm tới”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị.
Thủy Hà
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam