Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật BHXH (sửa đổi)
Sáng 20/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp BHXH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Hội nghị do ông Trần Đình Gia- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh đồng chủ trì.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự thảo Luật BHXH lần này gồm 10 Chương, 136 Điều; bám sát 5 nhóm chính sách gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Theo đánh giá, qua hơn 7 năm thực hiện Luật BHXH 2014, chính sách BHXH đã đạt được nhiều thành tựu. Luật BHXH năm 2014 cũng đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng-hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 cũng còn những hạn chế, bất cập cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Do đó, tại Hội nghị, các ý kiến đã thống nhất về sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi toàn diện Luật BHXH, nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành. Từ đó, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của NLĐ và người SDLĐ trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.
Tham gia góp ý kiến, đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh đề xuất một số nội dung liên quan đến đảm bảo quyền lợi NLĐ và điều kiện cần bổ sung nhằm thực hiện hiệu quả chính sách BHXH. Cụ thể như: Cần bổ sung thêm hành vi “chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp”; “mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH” vào quy định các hành vi bị nghiêm cấm.
Đồng thời, kiến nghị bổ sung “quỹ BHXH dự phòng rủi ro” vào quy định các quỹ thành phần của quỹ BHXH, nhằm hỗ trợ giải quyết quyền lợi về BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ trong DN bị giải thể, phá sản, không có người đại diện theo pháp luật, không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng BHXH của đơn vị; mặt khác có thể sử dụng quỹ này để hỗ trợ DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội...
Đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất bổ sung chức năng của cơ quan BHXH không chỉ thực hiện “thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT” như Luật BHXH hiện hành, mà thực hiện chức năng “thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của người SDLĐ và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách”.
Theo lý giải của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, tại Khoản 1, Điều 35 Luật Thanh tra 2022 quy định “Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ”. Trong khi đó, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Do đó, nếu cơ quan BHXH chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng thì chưa đầy đủ lĩnh vực quản lý…
Cũng tại Hội nghị, một số đại biểu đã thảo luận về những quan điểm chủ đạo, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; tình trạng rút BHXH một lần dẫn đến mạng lưới an sinh ngày càng mỏng, gây hệ lụy cho xã hội và giải pháp hạn chế; quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng chậm đóng BHXH bắt buộc... Các đại biểu cũng góp ý về công tác phối hợp của các ngành liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp giữa NLĐ và người SDLĐ trong tham gia BHXH...
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Trần Đình Gia- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên cơ sở những góp ý của đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, hoàn chỉnh để Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sớm được Quốc hội xem xét thông qua.
Thái An
- Vài suy nghĩ về xu thế cải cách BHYT trên thế giới
- Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành BHXH Việt Nam
- Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức hành chính dựa trên kết quả
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật BHYT
- BHXH Việt Nam xác định danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2025