Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bổ sung thêm nhiều nhóm lao động tham gia BH thất nghiệp

Thứ Bảy, 26 /10/2024 09:59

Chiều tối 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị Luật Việc làm (sửa đổi) xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách BH thất nghiệp. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, BH thất nghiệp, đăng ký lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.

Về một số nội dung cụ thể, ông Lê Văn Thanh cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về đăng ký lao động đối với: NLĐ có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và người có việc làm không tham gia BHXH bắt buộc) và người thất nghiệp (NLĐ không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc). Cơ chế đăng ký, điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về NLĐ được thực hiện theo hướng: Đối với NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người SDLĐ nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin cho NLĐ cùng lúc khi nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH 2024; đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và người thất nghiệp thì theo cơ chế khuyến khích tự nguyện, khi NLĐ có nhu cầu thì nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến UBND cấp xã nơi ở hiện tại. Đồng thời, bổ sung đối tượng tham gia BH thất nghiệp gồm: NLĐ có giao kết HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật BHXH 2024.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi mức đóng BH thất nghiệp theo hướng: NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người SDLĐ đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Sửa đổi các chế độ BH thất nghiệp và một số sửa đổi, bổ sung khác như: Bổ sung các quy định hỗ trợ việc làm cho NCT, các chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững; bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử và quy định về sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia; sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm DVVL công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa; rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi BH thất nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về quản lý nhà nước về BH thất nghiệp, quỹ BH thất nghiệp và khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BH thất nghiệp.

Ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo; Hồ sơ dự án Luật thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị của cơ quan soạn thảo; đồng thời Hồ sơ cũng đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động đối với những chính sách mới so với Luật hiện hành. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên và NCT đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ các chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, các chính sách đối với người cao tuổi cần đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan về chính sách BHXH, BHYT, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm ATVSLĐ.

Đối với các vấn đề về trình tự đăng ký lao động, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về trình tự lao động đối với NLĐ đang làm việc cho người SDLĐ nhưng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, người quản lý doanh nghiệp... Bổ sung quy định nhằm tránh sự trùng lắp trong việc đăng ký lao động đối với NLĐ thuộc nhiều đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác nhau; vấn đề đăng ký thông tin NLĐ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Đồng thời, làm rõ và xử lý thông tin về lao động khi có sự khác nhau về mặt thông tin, liên thông dữ liệu với các doanh nghiệp trong cơ quan BHXH. Thực tế hiện nay NLĐ có bằng cấp, trình độ, chứng chỉ chuyên môn nhưng để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đôi khi họ không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, ảnh hưởng tới việc quản lý NLĐ…

Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách như phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; trách nhiệm của người SDLĐ, cơ sở giáo dục về phát triển kỹ năng nghề… Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm tới chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững theo hướng sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển  khác; nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tích cực triển khai công việc trong quá trình xây dựng dự án Luật. Các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm tại phiên họp sẽ được tiếp thu đầy đủ. Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các tài liệu liên quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.

V.Thu