Đức dùng thẻ ghi nợ đặc biệt cho người xin tị nạn

Thứ Ba, 09 /04/2024 06:53

Chính phủ Đức, vừa "bật đèn xanh" cho việc áp dụng thẻ ghi nợ đặc biệt nhằm đặt ra các giới hạn về cách thức và địa điểm mà những người xin tị nạn có thể chi tiêu số tiền hỗ trợ nhận được.

Bước đi này là một phần của chính sách di cư cứng rắn hơn mà các nhà chức trách Đức đang theo đuổi. Ba nhóm nghị sĩ trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã nhất trí nêu việc này trong một dự luật sẽ được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện, sau khi nhận được sự ủng hộ của đảng Xanh.

Trước đó, một số bang của Đức đã áp dụng các loại "thẻ mua sắm" tương tự, và hiện các bang đang muốn thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý trên quy mô toàn quốc.

Thẻ ghi nợ đặc biệt nói trên được thiết kế để kiểm soát lợi ích của những người xin tị nạn và ngăn chặn tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài. Thủ tướng Scholz và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông đang tìm cách giảm số lượng người xin tị nạn.

Trước đó, vào ngày 18/1, Quốc hội Đức đã thông qua các quy định hạn chế mới đối với người xin tị nạn, hợp thức hóa quy trình trục xuất trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng người xin tị nạn gia tăng mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser khẳng định, quy định mới là cơ sở để Đức đẩy nhanh việc hồi hương những người không được cấp quy chế tị nạn, giải phóng nguồn lực để phục vụ những người cần nơi tạm trú nhất. Quy định mới bao gồm một loạt các biện pháp cứng rắn sẽ trao thêm quyền hạn cho cảnh sát trong việc truy tìm người được yêu cầu rời khỏi Đức và xác định danh tính người di cư. Bộ Nội vụ Đức còn muốn cho phép lực lượng thực thi công vụ đọc dữ liệu từ điện thoại thông minh hoặc dịch vụ đám mây nếu người tị nạn không thể xuất trình hộ chiếu, gây khó khăn cho việc xác định danh tính của người đó.

Nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng có thêm thời gian thực hiện các thủ tục trục xuất, quy định cũng tăng thời gian tối đa giam giữ người tị nạn trước khi trục xuất từ 10 ngày hiện nay lên 28 ngày. Người tị nạn có thể bị giam giữ tại khu vực quá cảnh của sân bay hoặc nơi ở nếu bị nghi ngờ sẽ trốn lệnh trục xuất. Các trường hợp vi phạm lệnh cấm nhập cảnh và cư trú sẽ là một trong những lý do bị giam giữ. Điều này được thực hiện khi chính quyền chỉ định nơi lưu trú cho người xin tị nạn và họ không được phép ra khỏi khu vực này.

Chính phủ Đức ước tính mỗi năm nước này sẽ có thêm 600 trường hợp bị trục xuất sau khi thực hiện quy định mới. Bộ trưởng Nancy Faeser cho biết, trong năm 2023, với việc thực hiện chặt chẽ hơn các chính sách hiện tại, Đức đã tăng 27% số yêu cầu trục xuất, đưa số lượng người xin tị nạn phải hồi hương lên 16.430 người.

Trong những tháng gần đây, lượng người di cư- chủ yếu từ Syria và Afghanistan đến Đức tăng cao, dẫn đến sức ép gia tăng đối với chính quyền địa phương và làm dấy lên tranh luận gay gắt về nhập cư ở quốc gia châu Âu này.

Ngọc Tuấn