FAO: Chỉ số giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng trở lại

Thứ Hai, 08 /04/2024 10:32

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thông tin, chỉ số giá lương thực, thực phẩm thế giới bắt đầu tăng trở lại.

Cụ thể, chỉ số giá lương thực, thực phẩm thế giới bắt đầu tăng trở lại- một trong những nguyên nhân là giá của dầu thực vật, thịt và các sản phẩm từ sữa giảm.

Một người tiêu dùng đang mua rau ở trung tâm Havana (Cuba)

Qua theo dõi, FAO thông báo, các mặt hàng lương thực, thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu đạt trung bình 118,3 điểm trong tháng 3/2024, tăng so với mức 117,0 điểm của tháng trước. Trước đó, chỉ số giá tháng 2/2024 là mức thấp nhất của chỉ số kể từ tháng 2/2021, đánh dấu mức giảm tháng thứ 7 liên tiếp. Như vậy, giá lương thực, thực phẩm quốc tế đã giảm mạnh so với mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022- khi cuộc chiến Nga và Ukraine bắt đầu nổ ra.

Tháng 3/2024, chỉ số giá dầu thực vật tăng 8% so với tháng 2/2024; chỉ số giá sữa tăng gần 2,9% (tăng tháng thứ 6 liên tiếp, do nhu cầu nhập khẩu tăng cao đối với cả nguồn cung ngắn hạn và dài hạn, cùng một số bất ổn về tác động của điều kiện thời tiết đối với sản lượng sữa sắp tới); chỉ số giá thịt tăng 1,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,6%, chỉ số giá đường giảm 5,4% so với tháng trước. Căn cứ thực tế, FAO nâng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023-2024 lên 2,841 tỷ tấn, từ mức 2,840 triệu tấn dự kiến vào tháng trước, tăng 1,1% so với niên vụ trước.

Trước đó, LHQ khuyến cáo, việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) chỉ có thể thực hiện được, nếu các quốc gia có những bước chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp phù hợp. Từ 702-828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2021, các dự báo gần đây cho thấy, gần 670 triệu người có nguy cơ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030. Bên cạnh đó, ước tính có gần 3,1 tỷ người không được tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2020.

“Các hệ thống nông sản thực phẩm hiện đại đang góp phần làm gia tăng bất bình đẳng, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến mất đa dạng sinh học và chịu trách nhiệm cho 1/3 lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra trên toàn cầu. Việc áp dụng cách tiếp cận hệ thống thực phẩm là cần thiết để giải quyết đồng thời nhiều thách thức và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm nông nghiệp bền vững”- đại diện LHQ cho biết.

Tùng Anh (Theo FAO)