Giải pháp giảm tình trạng hưởng BHXH một lần ở Việt Nam
Ngày 25/3, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) đã họp tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp nhằm giảm tình trạng hưởng BHXH một lần ở Việt Nam”. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ThS.Lê Thị Quế- Phó Viện trưởng Viện Khoa học BHXH- Chủ nhiệm Đề tài cho biết, mục đích nghiên cứu của Đề tài là thu thập được những bằng chứng khoa học và thực tiễn. Trên cơ sở đó, đưa ra được những giải pháp giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, góp phần đảm bảo mục tiêu bao phủ BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW và đảm bảo an sinh xã hội trong dài hạn.
Để đưa ra được các giải pháp nhằm giảm tình trạng nhận BHXH một lần, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số kinh nghiệm quốc tế. Đơn cử: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp... không cho hưởng BHXH một lần; một số hệ thống an sinh của Malaysia, Singgapore... chỉ cho hưởng tối đa một tỷ lệ nào đó trên số đóng góp khi NLĐ đạt độ tuổi nhất định. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng nêu bật những quy định pháp luật về BHXH một lần ở Việt Nam qua các thời kỳ; các yếu tố tác động đến tình trạng hưởng BHXH một lần.
Theo số liệu Ban Chủ nhiệm Đề tài đưa ra, chỉ tính riêng năm 2020, số người hưởng BHXH một lần gấp 2 lần số người tham gia BHXH tăng mới và độ tuổi hưởng BHXH một lần tăng dần qua các năm, phổ biến từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (80,9%). “Nữ tham gia BHXH nhiều hơn nam ở độ tuổi dưới 35, sau đó lại giảm dần và cuối cùng là thấp hơn nam giới khi đến tuổi nghỉ hưu; nữ nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều hơn và ở độ tuổi trẻ hơn nam”- ThS.Lê Thị Quế cho biết.
Cũng theo ThS.Lê Thị Quế, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần, trong đó có yếu tố liên quan đến chính sách, pháp luật như: Điều kiện hưởng dễ dàng, chưa phù hợp, mức hưởng cao; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài; tuổi nghỉ hưu cao; BHXH tự nguyện chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, còn do điều kiện kinh tế-xã hội (việc làm, thu nhập, tâm lý sống dựa vào con cái, tâm lý đám đông). Đáng chú ý, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến NLĐ, khiến tình trạng thất nghiệp tăng cao, dẫn đến người hưởng BHXH một lần năm 2020 tăng 6,65% so với năm 2019. Ngoài ra, còn do nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật BHXH và công tác truyền thông về chính sách BHXH nói chung, BHXH một lần nói riêng vẫn còn hạn chế.
Nhóm nghiên cứu chỉ rõ 5 thách thức của tình trạng gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Đó là: Khó đạt được mục tiêu BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28-NQ/TW; làm mất đi quyền an sinh cơ bản của con người đã được quy định trong Hiến pháp; tăng gánh nặng đối với Nhà nước, gia đình và xã hội; giảm tính bền vững của hệ thống hưu trí; gây khó khăn cho quá trình cải cách BHXH.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, kiến nghị một số giải pháp. Đơn cử như: Xem xét đối tượng hưởng BHXH một lần là người ra nước ngoài định cư; NLĐ sau một năm nghỉ việc/dừng đóng BHXH; chỉ cho phép hưởng BHXH một lần bằng mức đóng góp thực tế của NLĐ; giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; hoàn thiện chính sách lao động, việc làm, BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ trợ cấp cho NLĐ đang nuôi con nhỏ; bổ sung gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện; xây dựng các chính sách dự phòng để hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh.
Về tổ chức thực hiện, theo nhóm nghiên cứu, cần đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, trong đó xác định rõ các nội dung truyền thông và các phương pháp truyền thông phù hợp; nâng cao vai trò của cán bộ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hưởng BHXH một lần thông qua việc bổ dung chức năng tư vấn; tiếp tục cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng phục vụ và khẳng định được hình ảnh cơ quan BHXH…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhất trí cao với kế cấu chặt chẽ, logic của Đề tài; đồng thời đánh giá Đề tài này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ, là một nguồn dữ liệu quý phục vụ đắc lực cho những nghiên cứu về sau. Cùng với đó, Đề tài mang ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ thiết thực cho việc hoạch định và ban hành các chính sách trong tương lai.
Các thành viên Hội đồng cũng gợi mở một số nội dung để nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài như: Trong phần thực trạng cần bổ sung thêm giai đoạn 1962-1994; đưa ra bằng chứng về những thiệt thòi đối với những NLĐ đã nhận chế độ một lần theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 9/10/1989 của HĐBT quy định về chế độ thôi việc; hệ luỵ của nhận BHXH một lần khi trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đồng thời, mạnh dạn đề xuất thêm các giải pháp để góp phần giảm tình trạng hưởng BHXH một lần tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài, khi BHXH một lần là một vấn đề lớn và “nóng” đang được dư luận quan tâm. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, đây là một đề tài khó, mới và phức tạp, nhưng Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. “Mặc dù là nghiên cứu khoa học, nhưng mang ý nghĩa thực tiễn lớn, là cơ sở góp một phần tiếng nói trong hoàn thiện chính sách BHXH trong những năm tới”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua Đề tài. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị.
Thủy Hà
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam