Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành: "Người ta hạnh phúc, mình phải thực sự hạnh phúc"

Chủ nhật, 20 /07/2025 09:15

Cuộc gặp giữa chúng tôi với Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành mới đây diễn ra trong một khung cảnh đặc biệt khi BHXH tỉnh vừa tròn 30 năm Ngày thành lập, cũng trùng với ngày ra mắt tên gọi BHXH tỉnh Đồng Nai mới sau sắp xếp. Trong bối cảnh ý nghĩa này, Giám đốc Phạm Minh Thành đã chia sẻ cùng Tạp chí Kinh tế- Tài chính về những trải nghiệm 30 năm với BHXH Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, năm nay là tròn 30 năm BHXH Đồng Nai được thành lập. Cảm xúc của ông - người đã gắn bó ngay từ những ngày đầu tiên - như thế nào?

Ông Phạm Minh Thành: Cảm xúc về ngày 15/7/2025 trong tôi thật sự rất đặc biệt. Tròn 30 năm Ngày BHXH tỉnh Đồng Nai thành lập và tôi là một trong những cán bộ đầu tiên của BHXH tỉnh. Từ một Kế toán trưởng thuộc Nhà khách Công đoàn của tỉnh Đồng Nai, năm 1995, tôi chuyển sang làm việc tại Phòng Kế hoạch - Tài chính (BHXH Đồng Nai); được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng. Đến năm 2001, được bổ nhiệm Phó Giám đốc và năm 2019, là Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai.

Giám đốc Phạm Minh Thành (phải) chia sẻ cùng phóng viên

Nhìn lại 30 năm ấy, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, được làm việc trong ngành BHXH Việt Nam là một may mắn. Đây không chỉ là một công việc - mà còn là sự đóng góp cho sự nghiệp an sinh xã hội, nơi từng chế độ, từng thủ tục mình thực hiện đều có thể tác động rất lớn đến đời sống người dân, nhất là những người yếu thế.

Tôi từng nói với anh em viên chức đơn vị mình, được là "người BHXH Việt Nam", đã thể hiện cái tâm của mình rồi. Chưa cần phải đợi ngày lễ, ngày Tết, đi chùa cúng dường... thì mới xuất tâm, mà viên chức BHXH Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng là đang làm việc tốt. Chẳng hạn, khi mình tiếp xúc với người lao động, họ vướng mắc vấn đề chính sách, mình nhiệt tình hướng dẫn cho họ hoàn thiện hồ sơ để được hưởng các chế độ BHXH, thì điều đó cũng thể hiện cái tâm của mình.

Trong ngày Kỷ niệm 30 năm thành lập BHXH Đồng Nai, tôi trao đổi với viên chức của đơn vị, phải làm sao để chia sẻ được nỗi niềm với người lao động. Lấy người lao động, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và phải làm hết mình để cho họ vui. Mà nhiều người vui có nghĩa là mình vui. Nếu người ta hạnh phúc, mình phải thực sự hạnh phúc, thì mới đúng nghĩa của một viên chức BHXH Việt Nam.

Phóng viên: Trong hành trình ba thập kỷ ấy, chắc hẳn có rất có rất nhiều câu chuyện, điều gì khiến ông lưu lại và tâm đắc?

Ông Phạm Minh Thành: Có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nếu chọn điều khiến tôi tâm đắc để chia sẻ, thì đó là được tham gia vào quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT. Xuyên suốt quá trình từ Nghị định 12/CP về việc Ban hành Điều lệ BHXH, cho đến Luật BHXH năm 2004, sau đó sửa dần cho đến Luật BHXH hiện hành, tôi may mắn được tham gia vào các hội thảo đóng góp xây dựng Luật và Luật Sửa đổi.

Đóng góp xây dựng chế độ thai sản, tại Hội trường của Nhà khách Quốc hội, tôi phát biểu ý kiến được rút ra từ trường hợp của bản thân. Đó là khi ấy chỉ có lao động nữ sinh con mới được hưởng chế độ thai sản, song những ngày chăm sóc vợ trong bệnh viện, lao động nam phải nghỉ việc. Do đó, tôi theo đuổi kiến nghị cho phép lao động nam cũng được hưởng chế độ thai sản trong 10 năm. Đến năm 2014, Luật BHXH quy định chế độ thai sản cho lao động nam khi vợ sinh con. Đây thực sự là một kỷ niệm hết sức sâu sắc với tôi.

 

Truyền thông giúp người dân tiếp cận chính sách.

Rồi trước đây trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy, Điều lệ và Luật BHXH năm 2004 quy định, lao động chỉ cần là nữ, đóng BHXH 1 tháng, là được nghỉ thai sản. Đây lỗ hổng rất lớn, sẽ có những trường hợp gian lận, nên tôi kiến nghị phải đóng BHXH 9 tháng mới giải quyết. Có lẽ có nhiều người chung ý kiến, các đồng chí đảm nhận nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã lắng nghe, sau đó quy định được điều chỉnh là 6 tháng. Việc này đối với tôi rất có ý nghĩa và là sự ghi nhận tâm huyết của một người đã gắn bó với BHXH Việt Nam từ những ngày đầu.

Luật BHYT cũng có thay đổi đáng kể, nhiều năm trước đây, quy định ít có bổ sung vào các khoản chi phí, quyền lợi cho người lao động, người dân khám chữa bệnh BHYT, nhất là trong điều kiện nền khoa học, ngành y và thiết bị máy móc phát triển rất mạnh. Vì vậy, việc nhà nước bổ sung thêm nhiều quyền lợi mới cho người tham gia, hiện nay là “mở toang” các quyền lợi cho người tham gia BHYT, cũng là một dấu ấn. Sắp tới, theo thông điệp của Tổng Bí thư, mục tiêu từ nay đến 2030, tiến tới miễn phí hoàn toàn chi phí y tế cho người dân thông qua BHYT. Đó là một viễn cảnh đầy tính nhân văn - là một trong những người trực tiếp thực hiện, tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào.

Còn một ấn tượng không quên trong sự nghiệp của tôi, đó là câu chuyện về quyết định “mở cửa” cơ quan BHXH để tiếp nhận hồ sơ BHXH trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19 - một quyết định đầy mạo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh, vì bản thân tôi có thể bị xử lý kỷ luật. Song tình thế người lao động lúc này không có tiền mua thức ăn, mua thuốc thang... và mong nhận các chế độ BHXH như “nắng hạn gặp mưa rào”, nên chúng tôi sau khi cân nhắc kỹ đã quyết định thực hiện. BHXH tỉnh khi ấy đã tiếp một số lượng người lao động nộp hồ sơ hạn chế và tuân theo các quy trình phòng dịch; song vẫn có một số ý kiến không đồng tình, đề nghị kiểm điểm. Sau đó, tôi thay mặt BHXH tỉnh, trình bày cụ thể với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thấu hiểu và chia sẻ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho phép mở thêm việc tiếp nhận hồ sơ ở một số phường để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người lao động.

Phóng viên: Hiện nay, cả nước thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, BHXH tỉnh Đồng Nai đã và sẽ có những thay đổi thế nào trong tình hình mới?

Ông Phạm Minh Thành: Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được kỳ vọng thay đổi bộ mặt xã hội, hay nói cách khác là "'sắp xếp lại giang sơn". Tôi cho rằng, mọi hoạt động của nhà nước, được xuất phát từ cơ sở và thể hiện rất rõ ở vai trò của cấp chính quyền xã, phường. Để giải quyết thủ tục, hồ sơ cho người dân trong tình hình mới, Chính phủ có Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tập huấn chuyên môn BHXH tại doanh nghiệp.

Đối với cơ quan BHXH, thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục theo quy định mới có khó khăn nhất định. Chẳng hạn, cơ quan BHXH cấp huyện trước đây, bây giờ là cấp cơ sở, sẽ quản lý trên địa bàn rất nhiều xã, trung bình khoảng 3-5 xã. Ban đầu biên chế của BHXH cơ sở sẽ chưa đáp ứng đủ mỗi Trung tâm Hành chính công ở 1 xã đều phải bố trí người. Nếu thực hiện đúng mô hình đó, BHXH tỉnh Đồng Nai phải có 95 cán bộ sang làm việc ở 95 Trung tâm Hành chính công, sẽ khó khăn về bố trí nhân lực.

Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương, trong tháng 7/2025, BHXH tỉnh cố gắng bố trí người trực ở Trung tâm Hành chính công đầy đủ để tiếp xúc và tư vấn người dân. Trong những ngày qua, có thuận lợi là được chính quyền địa phương rất ủng hộ. Trường hợp Trung tâm Hành chính công bố trí được quầy, cán bộ cơ quan BHXH ngồi ở quầy trực. Trường hợp không bố trí được quầy, cán bộ cơ quan BHXH chủ động xin bố trí bàn trực để tiếp xúc với người dân. Chỉ cần người dân có nhu cầu, mọi vướng mắc về chế độ, chính sách BHXH, BHYT sẽ được giải đáp; thậm chí, trực tiếp nhận hồ sơ để phục vụ.

BHXH tỉnh Đồng Nai quyết tâm vượt lên trên những khó khăn trước mắt để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ trong những ngày đầu thực hiện để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phóng viên: Hiện nay BHXH tỉnh khối lượng công việc lớn, lại phải chi phối nhân lực cho Trung tâm Hành chính công. Như vậy gặp những khó khăn nào và về lâu dài có đáp ứng được việc này không, thưa ông?

Ông Phạm Minh Thành: Chắc chắn là có khó khăn. Thực hiện chủ trương giảm biên chế, hiện nay BHXH tỉnh đã thiếu người, nếu phải bố trí thêm lực lượng ở Trung tâm Hành chính công thì khó xoay xở.

Hỗ trợ chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nghiên cứu theo Điều 10 của Nghị định số 118 là cho phép thuê đơn vị dịch vụ công ích, dịch vụ bưu chính công ích, tôi nghĩ rằng sẽ xin lý kiến BHXH Việt Nam có một mẫu hợp đồng thống nhất chung trong toàn quốc, có mức phí chi cho thuê mướn dịch vụ. Vừa qua, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chủ động mời 100 nhân viên của ngành Bưu điện tập huấn về nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ... Mặc dù hiện nay chưa có mức chi cho đơn vị dịch vụ nhưng BHXH tỉnh Đồng Nai đã gắn kết với Bưu điện để làm tốt nhất công việc.

Ở Trung tâm Hành chính công, Bưu điện có quầy sẵn và cơ quan BHXH thuận tiện trong phối hợp. Thời gian đầu trong tháng 7/2025, chuyên viên BHXH tỉnh phối hợp với nhân viên Bưu điện để hỗ trợ các kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ ngay tại quầy của Bưu điện. Nhân viên bưu điện trong giai đoạn này vừa tập sự, vừa tiếp xúc và tiếp cận nghiệp vụ về tiếp nhận của cơ quan BHXH để từ ngày 1/8 tới đây có thể tự đảm nhận được nhiệm vụ này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ cởi mở. Chúc ông và tập thể BHXH tỉnh Đồng Nai tiếp tục vững bước trong hành trình an sinh phía trước!

Trà Giang (thực hiện)