Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững
Sáng 28/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng chống tai nạn thương tích, với chủ đề "Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững".
Hội nghị quy tụ gần 200 đại biểu là lãnh đạo, nhà nghiên cứu hàng đầu từ các bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế như: WHO Geneva, Đại học Johns Hopkins và nhiều tổ chức phi chính phủ, nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề xuất giải pháp bền vững trong phòng chống tai nạn thương tích.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, tai nạn thương tích là nguyên nhân của khoảng 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Hàng năm, tai nạn thương tích gây ra hơn 4,4 triệu ca tử vong, chiếm gần 8% tổng số tử vong toàn cầu, cùng với đó là 78 triệu người bị thương tật vĩnh viễn. Tại Việt Nam, tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tỷ lệ 11% trong mô hình bệnh tật. Báo cáo từ Bộ Y tế cho biết, từ năm 2019 đến 2023, có hơn 30.000 người tử vong mỗi năm vì tai nạn thương tích, tức là khoảng hơn 80 người mỗi ngày.
Các số liệu trên không chỉ phản ánh tổn thất về sinh mạng, mà còn thể hiện gánh nặng kinh tế-xã hội nặng nề, nhất là tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, việc giảm thiểu thương tích là chỉ số quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, yêu cầu các quốc gia phải có những chính sách và chiến lược can thiệp hiệu quả. Tại Việt Nam, tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân hàng đầu gây thương vong. Dù đã có nhiều nỗ lực, các số liệu cho thấy, trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế tiếp nhận hơn 1,1 triệu trường hợp thương tích, điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc tăng cường phòng chống và giảm thiểu tai nạn thương tích.
Để đáp ứng thách thức này, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích đã giảm khoảng 28% trên 100.000 dân. Ngoài ra, gần 500 xã, phường đã được công nhận là “Cộng đồng an toàn”, tức là các cộng đồng đạt tiêu chuẩn phòng chống tai nạn thương tích. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn thương tích tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao và nhiều nguy cơ như biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa tự nhiên, cùng các vấn đề về giao thông, lao động...
Chia sẻ thêm về tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em, TS.David Medding- Chuyên gia của WHO Geneva nhấn mạnh rằng, đuối nước, ngã và tai nạn giao thông đường bộ là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 4, trong khi tai nạn giao thông là nguyên nhân chính đối với nhóm thanh niên 20-24 tuổi.
Với vai trò cơ quan quản lý và triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Một số chính sách quan trọng bao gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định rõ về hoạt động cấp cứu ngoại viện, đòi hỏi sơ cứu phải được thực hiện bởi người có kiến thức hoặc được đào tạo bài bản. Ngoài ra, Luật Trật tự An toàn giao thông Đường bộ và Luật Đường bộ thông qua ngày 27/6/2024 đã cập nhật các quy định mới về thiết bị an toàn cho trẻ em.
PGS-TS.Lương Mai Anh- Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết, Bộ Y tế cũng đang đề xuất những nội dung mới về các biện pháp can thiệp hiệu quả và sơ cứu tai nạn thương tích trong Luật Phòng bệnh. Bộ Y tế đã hợp tác với nhiều bộ, ngành, địa phương để triển khai Chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, các chương trình và dự án can thiệp dựa vào bằng chứng và theo khuyến nghị của WHO cũng đã được các bộ, ngành, địa phương áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tai nạn thương tích.
Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng chống tai nạn thương tích có 32 báo cáo khoa học từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trình bày tại phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề. Nội dung Hội nghị tập trung vào các giải pháp phòng chống thương tích do giao thông đường bộ, sơ cấp cứu và phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước và các tai nạn thương tích khác tại cộng đồng. Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà khoa học và chuyên gia chia sẻ, cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, nhằm đưa ra các giải pháp toàn diện và bền vững trong phòng chống thương tích.
Từ những nỗ lực này, có thể thấy rằng, các chính sách và chương trình can thiệp của Việt Nam đang đi đúng hướng, với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội để hoàn thiện, đặc biệt trong việc áp dụng khoa học công nghệ và phối hợp liên ngành để đảm bảo tính bền vững trong phòng chống tai nạn thương tích.
Hà Hùng
- Ứng dụng y tế từ xa: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế
- Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp cần thiết và cấp bách
- Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Kháng thuốc: Mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu
- Hỗ trợ các giáo viên hiếm muộn chạm ước mơ làm cha mẹ