Giới thiệu sách Trạm Y tế xã
Cuốn sách Trạm Y tế xã do GS-TS.Đào Văn Dũng- nguyên Chủ nhiệm Khoa Y tế cộng đồng- K10 (Học viện Quân y), nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), giảng viên Khoa Y (Trường Đại học Phenikaa) chủ biên; cùng 13 nhà khoa học và quản lý y tế của một số trường đại học, viện nghiên cứu y học và Sở Y tế một số tỉnh, thành phố biên soạn.
Sách do NXB Y học in và phát hành lần đầu vào năm 2018 với 1.200 bản và dầy 500 trang in khổ 16x24cm. Đây là cuốn sách đầu tiên được viết về Trạm Y tế xã- nền tảng của y tế Việt Nam, một cách bài bản, khoa học, thực tiễn và đầy đủ nhất các nội dung, các hoạt động của tuyến y tế cơ sở.
Chủ biên và đại diện nhóm tác giả tặng sách Trạm Y tế xã cho Sở Y tế tỉnh Bình Dương
Trạm Y tế xã là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên, tiếp xúc với nhân dân trong hệ thống y tế nhà nước, dưới sự quản lý của Trung tâm Y tế huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Trạm Y tế xã có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá, trật tự, an toàn xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, hệ thống y tế ngày càng được củng cố và hoàn thiện, trong đó, mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp.
Song, y tế cơ sở hiện nay cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: Chính sách, pháp luật về y tế cơ sở chưa hoàn thiện; một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức việc củng cố, tăng cường năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.
Mô hình tổ chức y tế cơ sở chưa ổn định; công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh, quản lý và nâng cao sức khoẻ người dân, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, vật tư y tế còn hạn chế; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế chưa phù hợp, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn giỏi gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.
Trao Giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn về y tế và an toàn lao động cho nhân viên y tế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Ngày 25/10/2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đã khẳng định vai trò nền tảng của y tế cơ sở trong hệ thống y tế Việt Nam, đó là: “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng…” và đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện và phát triển y tế cơ sở.
Theo thống kê, đến cuối năm 2017, mạng lưới y tế trong cả nước đã có gần 14.000 cơ sở từ tuyến Trung ương, tỉnh/thành phố, đến huyện/quận, xã/phường. Trong đó, y tế cơ sở có gần 12.000 đơn vị. Hiện nay, 99,4% số xã có Trạm Y tế (0,6% số xã còn lại chưa có cơ sở riêng phải nhờ cơ sở khác); 98,2% số Trạm Y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 74,3% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động. Khoảng 80% số Trạm Y tế xã thực hiện KCB BHYT, thí điểm quản lý một số bệnh mạn tính như: Hen, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Sau khi phát hành, sách đã được các tác giả gửi tặng mỗi Trạm Y tế một cuốn, cho toàn bộ trên 100 Trạm Y tế thuộc tỉnh Thái Bình, Bình Dương; một số huyện/quận của Hà Nội, các tỉnh Hoà Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Kiên Giang; Khoa Chăm sóc nhi khoa ban đầu (BV Nhi Trung ương) và một số tỉnh, thành khác.
Việc này giúp các cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại tuyến y tế cơ sở; giúp học viên và đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các nhà trường, học viện, viện nghiên cứu có thêm tài liệu tham khảo trong hoạt động chuyên môn, nhằm thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW; Chỉ thị số 25 ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội ngày 24/6/2023 về y tế cơ sở, y tế dự phòng và Đề án Phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/12/2016 với mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% số Trạm Y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% số dân được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Trạm Y tế xã là cấu phần quan trọng của tuyến y tế cơ sở, bao gồm Trạm Y tế của các xã, phường, thị trấn và các Trạm Y tế của các công, nông, lâm trường và trường học. Trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thường được gọi ngắn gọn là Trạm Y tế xã. Ở nước ta, xã là đơn vị hành chính đặc biệt và chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số các đơn vị cấp cơ sở. Chính vì vậy, các tác giả đã lấy tên "Trạm Y tế xã" để đặt cho tên cuốn sách này là phù hợp.
Cuốn sách gồm 13 chương với các nội dung từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và các nguồn lực của Trạm Y tế xã, cho đến công tác quản lý chuyên môn và quản lý nhà nước đối với Trạm Y tế xã; sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác y tế, dân số tại tuyến xã, cũng như đánh giá chất lượng Trạm Y tế xã. Đặc biệt, các tác giả lần đầu đề cập đến Y học gia đình- một xu hướng mới trong sự phát triển của y học Việt Nam và y học thế giới và chuyển đổi số y tế ở Trạm Y tế xã với bước đầu ứng dụng CNTT, các phần mềm quản lý hoạt động tại Trạm Y tế xã.
Nội dung cụ thể các chương như sau:
Chương 1: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Trạm Y tế xã.
Chương 2: Trạm Y tế xã qua các thời kỳ ở Việt Nam.
Chương 3: Chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Trạm Y tế xã.
Chương 4: Cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã.
Chương 5: Hoạt động và quản lý Trạm Y tế xã.
Chương 6: Một số chương trình y tế ở tuyến xã.
Chương 7: KCB thông thường và chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trạm Y tế xã.
Chương 8: KCB BHYT tại Trạm Y tế xã.
Chương 9: Quản lý các nguồn lực tại Trạm Y tế xã.
Chương 10: Sổ sách, báo cáo của Trạm Y tế xã.
Chương 11: Đánh giá chất lượng Trạm Y tế xã.
Chương 12: Lãnh đạo, quản lý Trạm Y tế xã của cấp ủy và chính quyền cơ sở.
Chương 13: Y học gia đình và hệ thống y tế số.
Đồng thời, trong cuốn sách, các tác giả đã sử dụng các văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước và của Bộ Y tế cũng như tài liệu, công trình nghiên cứu của các nghiên cứu sinh tiến sĩ thành viên biên soạn cuốn sách này và các công trình nghiên cứu về Trạm Y tế cơ sở của nhiều nhà khoa học.
Sau khi được xuất bản, trong hơn 5 năm qua, cuốn Trạm Y tế xã được cán bộ, nhân viên y tế chào đón tại rất nhiều Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện trên toàn quốc. Nhiều học viên các lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa, cao học, nghiên cứu sinh đã sử dụng cuốn sách như một tài liệu tham khảo hữu ích.
Các bạn đọc đều đánh giá, đây là cuốn sách đầu tiên viết về Trạm Y tế xã một cách căn cơ, bài bản, khoa học, thực tiễn, đầy đủ, toàn diện về lịch sử hình thành và phát triển; về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, thiết bị y tế và các lĩnh vực hoạt động của Trạm Y tế xã với những minh họa bằng các nghiên cứu về Trạm Y tế xã của nhóm tác giả cuốn sách.
Một số lãnh đạo Bộ Y tế cũng đánh giá cao nội dung cuốn sách này như là cẩm nang cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở. Cuốn sách đã đóng góp tích cực vào nâng cao kiến thức và thực hành cho nhân viên y tế trong sự nghiệp phát triển mạng lưới y tế cơ sở- nền tảng của hệ thống y tế nước nhà.
Trước sự phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội của đất nước và những biến đổi tình hình dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 trong những năm gần đây, trong lần xuất bản thứ 2, cuốn sách đã được bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình mới như: Cập nhật thông tin các chương, bổ sung các nội dung có liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại tuyến y tế cơ sở; làm mới nội dung và hình ảnh của các chương 6, 7, 8, 11 và 13. Sách dày 528 trang với 350 bản khổ sách 16x24cm.
Nội dung cuốn sách này cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam sử dụng trong tập huấn cho nhân viên y tế của hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho CBNV và NLĐ của Tập đoàn.
Với những đóng góp thiết thực của cuốn sách Trạm Y tế xã, ngành Y tế tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh in gần 500 cuốn để phát cho nhân viên y tế thôn bản trong đợt tập huấn công tác y tế thôn bản của tỉnh năm 2024 và làm quà tặng cho ngành Y tế tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).
PV
- Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện vùng Tây Bắc
- Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
- Đánh giá tác động của việc Việt Nam tham gia Công ước số 102 về an sinh xã hội
- Thực hiện Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành BHXH Việt Nam
- Xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam