Hàn Quốc nỗ lực giải quyết khủng hoảng y tế

Thứ Ba, 07 /05/2024 12:29

Chính phủ Hàn Quốc dường như đã từ bỏ kế hoạch thực hiện biện pháp xử lý các bác sĩ thực tập sinh tham gia đình công hàng loạt, đồng thời rút lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y nhằm khơi thông bế tắc trong đàm phán với các hiệp hội bác sĩ của nước này.

Theo một quan chức ngành y tế Hàn Quốc, trong cuộc họp báo cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Min-soo cho biết chính phủ đã quyết định trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc tuyển sinh ngành y trong phạm vi 50-100% chỉ tiêu mà chính phủ phân bổ thêm cho năm học 2025. Ngoài ra, chính phủ cũng hoãn đình chỉ giấy phép đối với các bác sĩ không làm việc trong nhiều tháng theo chính sách "bố trí linh hoạt" kể từ cuối tháng 3, và cũng không ban hành lệnh điều động nào đối với các giáo sư trường y đã từ chức cùng với sinh viên của họ.

Những biện pháp kể trên được coi là một sự thỏa hiệp và nỗ lực ban đầu của chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế kéo dài hơn hai tháng qua. Tuy nhiên, các hiệp hội bác sĩ vẫn kiên quyết giữ lập trường về vấn đề này và tiếp tục kêu gọi chính phủ xem xét lại từ đầu kế hoạch cải cách y tế. 

Cuộc khủng hoảng ngành y tại Hàn Quốc nổ ra từ cuối tháng 2 khi có khoảng 12.000 bác sĩ nội trú nghỉ việc để phản đối kế hoạch của chính phủ tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y hàng năm. Chính phủ Hàn Quốc giải thích việc tăng số lượng sinh viên y khoa là để chuẩn bị cho tình trạng dân số già và thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng giáo dục y tế và dẫn đến chi phí cao hơn cho người bệnh. Nhiều ý kiến còn cho rằng hệ thống y tế đang đặc biệt đề cao các chuyên khoa như da liễu, vốn không cần thiết trong chăm sóc sức khỏe hàng ngày của đại đa số người dân. Họ cũng chỉ trích chính phủ phớt lờ những vấn đề nan giải tồn tại trong ngành y tế.

Các nỗ lực khơi thông bế tắc đến nay chưa đạt được kết quả, và làn sóng đình công vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hơn 10.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh tham gia đình công vẫn chưa quay trở lại làm việc.

Những gì đang diễn ra khiến cho các bệnh viện lớn ở Hàn Quốc phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Họ phải co hẹp quy mô hoạt động, từ chối khám chữa cho nhiều bệnh nhân, đồng thời chịu thâm hụt hàng trăm triệu won mỗi ngày. Theo nhận định của giới chuyên gia, ngoài thiệt hại về kinh tế đối với các bệnh viện, những tổn thất về mặt tinh thần và niềm tin của người bệnh là không thể tính được.

Hiện ở Hàn Quốc, cứ 1.000 người dân có 2,6 bác sĩ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 bác sĩ trên mỗi 1.000 dân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). 

Theo dữ liệu chính thức, vào năm 2022, ở các khu vực ngoại ô Seoul có 4,82 bác sĩ thăm khám trên mỗi 1.000 dân, trong khi tỷ lệ này tại thành phố Incheon là 2,65 bác sĩ trên mỗi 1.000 dân. Số liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc cho thấy Incheon là thành phố có tỷ lệ tử vong vốn có thể tránh được cao nhất trên toàn quốc, với 51,49 ca tử vong trên mỗi 100.000 dân vào năm 2021. Mức này ở Seoul là 35,56.

Tỷ lệ tử vong có thể tránh được là một trong những chỉ số về chất lượng chăm sóc sức khỏe của các nước OECD.

Ngọc Tuấn