Hàn Quốc thiếu 900.000 việc làm trong 8 năm tới

Thứ Năm, 21 /03/2024 15:29

Theo một phân tích mới, thị trường lao động Hàn Quốc sẽ thiếu hụt nhân lực lên tới 900.000 người trong 8 năm tới do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số.

Dân số trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc đã bắt đầu giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2019. Và, để ngăn chặn tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại do lực lượng lao động sụt giảm, việc đưa ra các chính sách cụ thể để đảm bảo đủ nhân lực là điều cấp thiết đối với chính phủ nước này.

Ngày 15/3 vừa qua, Bộ Việc làm và Lao động (MOEL) cùng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) đã tổ chức cuộc họp Nhóm đặc nhiệm việc làm (TF) lần thứ 15 giữa các bộ liên quan và thảo luận về các nhiệm vụ chính sách lớn dựa trên phân tích này. Tại cuộc họp, quy mô thiếu hụt lao động do thay đổi cơ cấu nhân khẩu học đã được trình bày chi tiết.

Trong báo cáo về 'Triển vọng Cung và Cầu Nhân lực Trung và Dài hạn (2022-2032), Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc (KEIS) chỉ ra rằng, vào năm 2032, nước này cần bổ sung tới 894.000 nhân sự vào thị trường lao động để ngăn chặn tình trạng suy thoái trong tăng trưởng kinh tế do lực lượng lao động giảm.

"Khi quá trình chuyển đổi cơ cấu công nghiệp tiến triển, các ngành có lượng người có việc làm ngày càng tăng và những ngành có lượng người có việc làm ngày càng giảm sẽ trở nên rõ ràng hơn", Thứ trưởng MOEL Lee Seong-hee giải thích.

Ông Lee cho biết thêm, để đối phó với tình trạng dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người trung niên và người già.

"Chúng tôi sẽ mở rộng các chương trình làm việc linh hoạt và tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em cũng như tăng cường hỗ trợ chuyển đổi công việc. Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ nỗ lực bố trí những người lao động có kỹ năng phù hợp vào các vị trí thích hợp".

Thứ trưởng Lee Sung-hee cam kết sẽ hỗ trợ việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và hỗ trợ họ định cư tại nước này.

Theo phân tích của KEIS, khi nhu cầu chăm sóc thực tế tăng lên và quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tăng tốc, số người có việc làm sẽ tăng lên ở các ngành dịch vụ, bao gồm y tế và phúc lợi, thông tin và truyền thông cũng như các ngành khoa học và công nghệ chuyên ngành. Tuy nhiên, các ngành sản xuất ô tô, gia công kim loại và dệt may- những ngành đang chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường, bao gồm cả xe điện được đánh giá sẽ chứng kiến tình trạng việc làm giảm sút. 

Nhập khẩu lao động trong nhiều lĩnh vực được Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên và được kỳ vọng sẽ giải bài toán thiếu lao động cho xã hội ngày một già hóa ở nước này.

Năm 2024, Hàn Quốc sẽ tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc ở các ngành nghề: sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp và ngư nghiệp. Đáng chú ý, chỉ tiêu tuyển lao động tăng cao hơn so với các năm trước đây.

Hoàng Dương