Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Thứ Hai, 05 /05/2025 10:47

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể sáng nay 5/5, dự kiến bế mạc chiều ngày 30/6/2025 và tiến hành theo 2 đợt.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhân dân ta, đất nước ta. Đồng thời nhấn mạnh, các luật, nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. “Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031… “Với những nội dung nêu trên, Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Ngay sau khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình KTXH nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: đã hoàn thành vượt và đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (đã báo cáo vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu). Điều này phản ánh sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong những tháng cuối năm để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2024.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020- 2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 02 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vi mô…

Thẩm tra Báo cáo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số). Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch, có giải pháp phù hợp phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm…

Nguyệt Hà