Khám chữa bệnh miễn phí: Cần sửa toàn diện Luật BHYT

Thứ Sáu, 09 /05/2025 14:20

Ngành Y tế định hướng sửa đổi toàn diện Luật BHYT để cụ thể một số nội dung tiến tới KCB miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của TBT Tô Lâm.

Hướng đến mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân

Ông Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chính sách BHYT mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của BHYT cần tiếp tục được cập nhật, để người bệnh không bị bỏ lại phía sau vì rào cản tài chính. Những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết, đó là phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị- không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ.

Một trong những định hướng lớn mang tính đột phá đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh gần đây là: “Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân”. Do vậy, ngành y tế xác định lộ trình 2026 - 2030 và 2031 - 2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này. Cụ thể, từ năm 2026 đến 2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT lên 100%, bảo đảm 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm; đồng thời phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý trọn đời. Tỷ lệ chi trả trực tiếp từ người dân cho dịch vụ y tế sẽ giảm xuống dưới 20%; đồng chi trả trong khám chữa bệnh BHYT sẽ giảm dưới 10%.

Giai đoạn từ 2031- 2035, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, từng bước triển khai chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mục tiêu đến năm 2045 là người dân không còn phải thanh toán thêm khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về bảo đảm an sinh y tế.

Báo cáo của Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho thấy, đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số - một con số đáng ghi nhận. Hiện người lao động, hưu trí, người hưởng trợ cấp… đều đóng 4,5% tiền lương hoặc lương hưu hoặc mức lương cơ sở. Các nhóm yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng. Đáng chú ý, chính sách BHYT hiện được phân thành 5 nhóm đối tượng chính theo trách nhiệm đóng phí: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (cán bộ, công chức, người làm công ăn lương…); nhóm do tổ chức BHXH đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH dài hạn); nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, người DTTS…); nhóm do ngân sách hỗ trợ một phần (hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên, người lao động tự do…); nhóm tham gia theo hộ gia đình (người không thuộc 4 nhóm trên, đóng tự nguyện theo hộ). Mô hình này tạo điều kiện phổ cập BHYT toàn dân, đồng thời bảo đảm chia sẻ rủi ro và trách nhiệm tài chính giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người hưởng

Theo ông Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, quỹ BHYT vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu của người bệnh nên việc cân bằng giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị vẫn là thách thức lớn. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1227/QĐ-BYT ngày 11/4/2025 về việc triển khai danh mục dùng chung cho các dịch vụ cận lâm sàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Bên cạnh việc hạn chế chỉ định không cần thiết, Bộ Y tế cũng đang xây dựng chính sách nhằm hài hòa giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị. Đồng thời, sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách khác như: Liên thông dữ liệu lâm sàng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi của người bệnh.

Trước nhu cầu chi trả ngày càng cao của người bệnh, trong khi quỹ BHYT còn hạn chế; quỹ còn lại của những năm trước và của năm 2025 chỉ đủ chi trả cho bệnh nhân trong năm 2025. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu để tăng thêm nguồn thu cho quỹ BHYT. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng phải nghiêm túc, tránh trục lợi quỹ BHYT, thực hiện chẩn đoán và điều trị phù hợp. Với những người bệnh đủ điều kiện chi trả thì cơ sở y tế chủ động thỏa thuận để việc thanh toán đảm bảo nhất. “Trong thời gian tới, cần tính được phí khấu hao và quản lý trong BHYT. Cần cân đối tăng mức đóng BHYT và có giải pháp khác như bảo hiểm bổ sung để giảm tiền túi của người bệnh trong khám chữa bệnh. Hiện nay người bệnh chi trả 40 - 45% vượt quá khuyến cáo của WHO là 30%”, ông Thuấn cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc miễn viện phí cần có lộ trình, hướng dẫn cụ thể. Theo ông Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ, “miễn phí” cần được làm rõ phạm vi và đối tượng áp dụng. Bởi miễn phí ở đây là một bệnh nhân vào viện sau đó kết thúc điều trị không phải trả bất cứ đồng nào hay là chỉ được miễn phí ở phần nào. Hiện tại các bệnh đột quỵ, tim mạch, ung thư là ba bệnh nguy hiểm. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Quỹ BHYT chi trả cho đột quỵ rất lớn, mỗi ca lên tới hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, nếu muốn giảm chi phí, hướng đến miễn viện phí thì giải pháp là dự phòng làm sao để giảm được bệnh tật.

Còn ông Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương lưu ý, dù người dân không phải trả phí khi đi khám bệnh, song vẫn cần có nguồn tài chính khác để bù đắp khoản này. Hiện trên 90% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT, song việc miễn phí hoàn toàn dịch vụ khám chữa bệnh vẫn chưa thể thực hiện, trong khi bảo hiểm nhân thọ lại cho phép người mua được miễn phí đầy đủ các dịch vụ. Điểm khác biệt cơ bản giữa BHYT và bảo hiểm nhân thọ là mức đóng phí. Hiện tại, mức lương cơ bản ở Việt Nam còn thấp, kéo theo số tiền đóng BHYT cũng hạn chế so với nhu cầu chi trả thực tế. “Vì vậy, nên chăng chuyển sang đóng BHYT theo thu nhập thay vì theo lương cơ bản. Bởi trong bối cảnh giá thiết bị, thuốc men chủ yếu nhập khẩu theo giá quốc tế nhưng mức đóng BHYT lại vẫn tính theo thu nhập tại Việt Nam, dẫn tới nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT. Nếu điều chỉnh tỷ lệ đóng BHYT theo phần trăm thu nhập, quỹ BHYT sẽ có nguồn lực mạnh hơn, mở rộng khả năng chi trả cho người bệnh. Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT cần đặc biệt lưu ý tới cách thức đóng phí cũng như phát triển các loại hình bảo hiểm bổ sung phù hợp thực tiễn”, ông Đông lưu ý.

Nguyệt Hà