Không gây phiền hà, phát sinh thủ tục cho người đăng ký khám chữa bệnh BHYT

Thứ Sáu, 16 /05/2025 13:04

Việc đăng ký khám và chuyển người bệnh BHYT không được phát sinh thủ tục, bảo đảm thuận tiện, không gây phiền hà trong KCB BHYT cho người dân.

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản số 2909/BYT-BH về việc triển khai thực hiện đăng ký KCB ban đầu, chuyển cơ sở KCB và phiếu hẹn khám lại tại các cơ sở KCB.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau một thời gian triển khai thực hiện Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế nhận được một số phản ánh liên quan đến việc thực hiện Thông tư. Để đảm bảo thống nhất trong thực hiện, cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT, tránh các vướng mắc phát sinh. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB theo quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BYT phù hợp với năng lực của hệ thống cơ sở KCB tại địa phương, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, bảo đảm chất lượng KCB BHYT và thuận tiện tối đa cho người bệnh.

Nội dung văn bản cần chú trọng hướng dẫn cụ thể việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB trên địa bàn, bao gồm cả các cơ sở KCB thuộc Bộ, ngành và theo phân cấp chuyên môn kỹ thuật, tránh gây quá tải tại một số cơ sở, bảo đảm cân đối giữa các cơ sở KCB thuộc địa phương và cơ sở KCB thuộc Bộ, ngành trên địa bàn. Việc quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển người bệnh không được phát sinh thêm thủ tục, gây phiền hà cho người bệnh, bảo đảm thuận tiện trong quá trình tiếp nhận, điều trị. Chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB và điều tiết, quản lý chung trên địa bàn, phát huy tích cực vai trò của các đơn vị được giao chuyên khoa đầu ngành, chuyên sâu kỹ thuật cao.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng lưu ý việc hướng dẫn chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB đa khoa, chuyên khoa, giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với phân cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở KCB tại địa phương, năng lực, thế mạnh của cơ sở KCB, tránh quá tải và thường xuyên phải chuyển người bệnh. Đặc biệt, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh có địa bàn giáp ranh thống nhất việc chuyển và tiếp nhận người bệnh giữa các cơ sở KCB trên địa bàn giáp ranh bảo đảm thuận lợi để người bệnh được KCB gần nơi cư trú, lao động, học tập và không bị ảnh hưởng bởi địa giới hành chính giữa các tỉnh giáp ranh.

Định kỳ giao ban công tác chuyển người bệnh BHYT và rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với 5 với yêu cầu thực tiễn tại địa phương. Chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn phải thường xuyên chuyển người bệnh vì lý do chuyên môn (nếu có) chủ động phối hợp, trao đổi, đề nghị hỗ trợ chuyên môn để nâng cao năng lực KCB, đáp ứng yêu cầu điều trị, phục vụ người bệnh.

Cùng với đó, các cơ sở KCB khẩn trương tập huấn cho nhân viên y tế về các quy định mới của pháp luật về BHYT, đặc biệt là quy định về thủ tục và quy trình KCB, các nội dung về phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển người bệnh; nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT và các Phụ lục số I, II, III, IV ban hành kèm theo để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh thực hiện đúng các quy định về chuyển cơ sở KCB, sử dụng giấy hẹn khám lại, giấy chuyển cơ sở KCB để bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Cơ sở KCB chịu trách nhiệm khi không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ, gây phiền hà, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh BHYT. Đặc biệt, đối với trường hợp người tham gia BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định tại Phụ lục số III và theo yêu cầu chuyên môn cần chuyển cơ sở KCB để khám và điều trị dài ngày được chuyển cơ sở KCB và giá trị sử dụng của Phiếu chuyển cơ sở KCB là 1 năm kể từ ngày ký…

Nguyệt Hà