Kinh tế thể thao: Động lực then chốt cho khát vọng Top 50 Olympic

Thứ Hai, 18 /11/2024 15:24

Trong bức tranh tổng thể về Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2045, yếu tố kinh tế đang dần định hình như một mảnh ghép không thể thiếu. Câu chuyện về mục tiêu đưa thể thao Việt Nam vào Top 50 Olympic không chỉ đơn thuần là chuyện "mồ hôi, nước mắt" trên đường đua, mà còn là bài toán về nguồn lực và cơ chế.

Bên lề Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức ngày 12/11 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Hổ- Giám đốc Khu LHTTQG, bày tỏ: “Chúng ta phải hiểu rằng Khu LHTTQG được phép khai thác, tổ chức các sự kiện VH-TT & DL; thế thì, SVĐ quốc gia Mỹ Đình, cũng như các sân đấu khác ở nước ngoài, sẽ được ưu tiên sử dụng cho tất cả các sự kiện chính trị- kinh tế- xã hội, ví dụ như sự kiện ngày 10/10 hay ngày 22/12 tới đây, khi đó các sự kiện văn hóa, thể thao đều phải dẹp sang một bên”.

Mặt khác, là đơn vị kinh tế tự chủ, chúng tôi cũng phải ưu tiên các sự kiện có lịch ký hợp đồng trước và sau, hiệu quả kinh tế cao hay thấp... Nếu không, chúng tôi lấy đâu ra nguồn thu để trả lương cho các CBCNVC!?”.

Hai ngày sau đó (14/11), ông Văn Trần Hoàn- Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng, gửi kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ VH-TT& DL Nguyễn Văn Hùng: “Tôi đau lòng đến mức nhiều đêm không ngủ được, không ăn được cơm!”.

Nỗi lòng của 2 nhà quản lý thể thao có thể được xem như ví dụ điển hình của những mâu thuẫn lợi ích đan xen, giữa kinh tế và thể thao! Đây không đơn thuần là vấn đề về cơ sở vật chất hay lịch thi đấu, mà còn phản ánh bức tranh tổng thể về kinh tế thể thao tại Việt Nam.

Nhìn sang các nước trong khu vực, Indonesia đã xây dựng thành công mô hình "thể thao là ngành công nghiệp". Họ sở hữu hệ thống sân vận động hiện đại, tổ chức thành công các kỳ Asian Games và đăng cai nhiều sự kiện thể thao quốc tế, với tư cách là “cục nam châm” hút nguồn thu tài chính, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước ra quốc tế.

Singapore, với chiến lược "Sports Hub", điển hình là việc tổ chức chặng đua xe công thức 1 (F1) Singapore GP vào buổi đêm, hay siêu sao nhạc Pop- Taylor Swift tổ chức sáu đêm diễn (2, 3, 4 và 7, 8, 9/2) tại sân vận động quốc gia Singapore trong khuôn khổ concert The Eras Tour. Tất cả đều cháy vé!- biến thể thao thành động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch thể thao.

Hay như Thái Lan và Malaysia cũng sớm nhận ra tiềm năng của kinh tế thể thao. Họ xây dựng các trung tâm thể thao đẳng cấp quốc tế, phát triển các giải đấu chuyên nghiệp, thu hút được nguồn tài trợ lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Các mô hình này không chỉ tạo ra doanh thu trực tiếp mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia.

Đó là những quốc gia ngay trong khu vực ASEAN, không phải là câu chuyện ở một nơi xa xôi nào đó, để nói rằng: “Chuyện không căn cứ!”.

Nhìn từ góc độ kinh tế học, thể thao chuyên nghiệp đã và đang trở thành một ngành công nghiệp tiềm năng. "Đầu tư- Thu hoạch" không còn là phương trình đơn giản của việc bỏ tiền và chờ huy chương. Nó đòi hỏi một hệ sinh thái kinh tế thể thao hoàn chỉnh, từ cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực đến thương mại hóa thành tích.

Một điểm đáng chú ý là xu hướng xã hội hóa thể thao đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân không còn đứng ngoài cuộc chơi. Họ đang dần trở thành những "mạnh thường quân" quan trọng, góp phần tạo nên nguồn lực tài chính đa dạng cho thể thao thành tích cao.

Bài học từ các cường quốc thể thao cho thấy: Thành công không chỉ đến từ ngân sách nhà nước! Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa khu vực công và tư, giữa trung ương và địa phương. Mô hình "tam giác vàng": Nhà nước- Doanh nghiệp- Xã hội cần được vận hành một cách linh hoạt và hiệu quả.

Không còn nghi ngờ gì, hành trình chinh phục Top 50 Olympic không chỉ là cuộc đua của các VĐV trên đường chạy, mà còn là cuộc marathon của cả một hệ thống kinh tế thể thao. Nó đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và đột phá trong cách tiếp cận về đầu tư và phát triển.

Như một câu nói dí dỏm trong giới: "Muốn có vàng Olympic, trước hết phải có... vàng trong két!". Nhưng quan trọng hơn cả là cách chúng ta sử dụng "vàng" đó như thế nào để tạo ra những giá trị đích thực cho thể thao Việt Nam trên đường đua tới đích: Top 50 Olympic năm 2045.

Hoàng Hương