Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động quản lý thuốc

Thứ Tư, 03 /04/2024 15:48

Sáng 3/4, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Trình bày Tờ trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thuốc có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược, nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thuốc chữa bệnh cho người dân.

Phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Hiện nay, thuốc chữa bệnh đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng, chủng loại rất phong phú, đa dạng, đã cơ bản đảm bảo được việc cung ứng thuốc cho công tác KCB. Mặt khác, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dược trên thế giới, các cơ hội và thách thức đan xen của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Sau gần 7 năm thực hiện, Luật Dược số 105/2016/QH13 đã đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về dược. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng cho thấy, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp chủ trương CCHC; một số quy định về quản lý chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là rất cần thiết. Dự án Luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Đồng thời, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng chống dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục theo hướng cắt giảm tối đa TTHC cho người dân và DN; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị.

Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, về mục đích và quan điểm xây dựng luật, hiện tại Tờ trình đang nêu nội dung rất rộng. Tuy nhiên, có một số nội dung đã được đề cập trong mục đích, quan điểm xây dựng luật hoặc trong báo cáo tổng kết thi hành luật, nhưng lại không được thể hiện trong luật. Một số dữ liệu, số liệu trong hồ sơ dự án luật còn cũ, chưa cập nhật, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ và bổ sung đảm bảo đầy đủ và thống nhất.

Bà Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá, tổng kết sâu về phát triển vùng dược liệu ở vùng đồng bào DTTS. Vì trong lần sửa đổi này, Dự án Luật có sửa đổi 2 khoản liên quan đến việc ưu tiên, ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS. Theo đó, Dự án Luật có quy định ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc lưu động cho đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đồng thời, huy động cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang tham gia cung ứng thuốc và nuôi trồng dược liệu, nhằm đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân tại các vùng trên.

“Những chính sách được thiết kế khá chung chung trong Dự thảo Luật, nên cần xem xét lại vấn đề này. Đồng thời, cần bổ sung thêm nội dung ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Như vậy, sẽ đảm bảo sự bao quát của chính sách; bảo đảm phát huy dược liệu nội địa”- bà Lịch nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Lan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu ý kiến tại phiên họp

Tại phiên họp, bà Đỗ Thị Lan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, có nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện Luật Dược hiện hành. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo chọn một số nội dung để sửa đổi, chủ yếu liên quan đến thủ tục, quy trình để giải quyết những vấn đề trước mắt, hoặc những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế. Vì vậy, Ban soạn thảo giải trình rõ việc lựa chọn vấn đề sửa đổi luật, đồng thời cần rà soát còn các vướng mắc, bất cập mà các ĐBQH, các Ủy ban của Quốc hội đã nhiều lần đề cập.

Bên cạnh đó, về chính sách phát triển công nghiệp dược, cần rà soát lại việc thực hiện các chính sách hiện hành, đánh giá tính phù hợp, khả thi, hiệu quả của các chính sách. Cần xem xét kỹ những vướng mắc về chính sách, lĩnh vực, địa bàn, điều kiện, thủ tục ưu đãi đầu tư. Những tồn tại trong lĩnh vực này đã được nhìn nhận rõ và được thể hiện trong nhiều báo cáo, tuy nhiên chưa được đề cập thỏa đáng trong hồ sơ Dự án Luật.

Kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến, giải trình đầy đủ nội dung các đại biểu nêu. Về phạm vi điều chỉnh của luật, ngoài những vấn đề đã được đề cập trong hồ sơ Dự án Luật, trong lĩnh vực dược còn có những vướng mắc, bất cập khác, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học, để làm rõ những vướng mắc, bất cập đó có cần được xử lý ngay hay không. Trong Dự án Luật cũng xuất hiện những chính sách mới ngoài các chính sách đã trình ở đề nghị xây dựng luật, nên cần có tổng kết, đánh giá tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vũ Thu