Lạm phát khiến người dân Nhật Bản ít có động lực đi du lịch
Một báo cáo do Cục Du lịch Nhật Bản vừa công bố cho thấy, hầu hết lưu trú tại các khách sạn ở quốc gia này đều là du khách nước ngoài. Số lượng khách nội địa về cơ bản đang tăng trưởng âm- mức tăng duy nhất trong năm 2024 là vào mùa hoa anh đào tháng 4, song cũng chỉ là 0,3%.
Đồng yên mất giá, lạm phát tăng cao, lương và thu nhập “dậm chân tại chỗ” là những nguyên nhân chính khiến du lịch nội địa và dịch vụ lưu trú của Nhật Bản suy giảm từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Một nhân viên văn phòng, 40 tuổi, sống ở Tokyo cho biết, hồi tháng 8/2024, anh đưa gia đình đến đảo Awaji (Kansai, Nhật Bản) nghỉ lại một đêm nhưng chi phí khách sạn vượt quá 100.000 yên, tương đương với 1/3 tháng lương của anh: “Để tiết kiệm chi phí đi lại, chúng tôi không đi máy bay và tàu Shinkansen. Chúng tôi phải dậy sớm và lái xe hơn 8 tiếng mới đến nơi. Nếu biết thế này, chúng tôi đã chọn đi picnic ở ngoại ô Tokyo”.
Theo Chỉ số giá tiêu dùng, giá phòng khách sạn hiện nay ở Nhật Bản đắt gần gấp đôi so với năm 2020, đặc biệt là ở Tokyo và các tỉnh, thành phố lớn. Việc này khiến người dân Nhật Bản có xu hướng tránh đi du lịch xa. Một nữ công chức Nhật Bản, trong độ tuổi 20, sống ở Shimane cho biết: “Mấy năm trước, tôi thường đi nghỉ ở Osaka và Kyoto. Giá phòng khách sạn lúc đó chỉ khoảng 15.000 yên, bây giờ đã tăng gấp đôi. Kết quả là tôi và gia đình, bạn bè, người quen không còn đi du lịch xa nữa mà chỉ quan tâm tới những nơi có thể lái xe đi và về trong một ngày”.
Sau đại dịch Covid-19, mặc dù Nhật Bản cũng trải qua thời kỳ “mua sắm trả đũa” (đây là cụm từ nhằm chỉ tình trạng mua sắm trong cơn phấn khích quá mức nhằm vượt qua tâm lý thất vọng hoặc bị kiềm nén trong một thời gian dài-ND) nhưng việc này nhanh chóng chững lại do đồng yên mất giá. Ông Takuto Yasuda, nhà nghiên cứu, thuộc Viện Nghiên cứu cơ bản Nisei (Nhật Bản) lý giải: “Khi giá thực phẩm tăng, người dân trở nên thận trọng hơn khi đi du lịch. Nếu lương và thu nhập không cải thiện, người dân sẽ cắt giảm đầu tiên là chi phí du lịch, giải trí. Sự suy giảm về du lịch nội địa và dịch vụ lưu trú do đó không phải là hiện tượng nhất thời, mà sẽ trở thành xu hướng lâu dài".
Tuy nhiên, lợi nhuận từ dịch vụ lưu trú Nhật Bản lại tăng đều đặn kể từ cuối năm 2021- kể từ khi Chính phủ nới lỏng lệnh hạn chế nhập cảnh sau đại dịch Covid-19, nhờ lượng du khách nước ngoài dồi dào. Dự đoán giá phòng khách sạn tại Tokyo và các tỉnh, thành lớn- nhất là những nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, việc này chưa chắc đã hoàn toàn tiêu cực, bởi còn có tác dụng “điều tiết”. Đó là là nhờ vậy, lượng khách nội địa và du khách nước ngoài có ngân sách thấp sẽ chuyển hướng sang các tỉnh, thành nhỏ hoặc nơi có địa điểm du lịch mới, chưa nhiều người biết đến.
Tùng Anh (Theo Nikkei)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài