LHQ cảnh báo: Một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu có thể xảy ra

Thứ Ba, 23 /04/2024 16:05

Tiếp cận nước sạch là một vấn đề quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp nằm ở Vùng Sừng châu Phi và Vùng Sahel, như Kenya, Ethiopia và Somalia.

Nguồn nước toàn cầu bị đe dọa do biến đổi khí hậu và các hoạt động nhân tạo. Theo thống kê, lượng nước ngọt được sử dụng lớn nhất thế giới dùng trong lĩnh vực nông nghiệp (70%), công nghiệp (dưới 20%) và sử dụng sinh hoạt (khoảng 12%). Những năm gần đây, nhu cầu nước ngọt tăng vọt do tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng công nghiệp và mô hình tiêu dùng thay đổi, nhất là ở khu vực thành phố/đô thị và khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

Hậu quả là khoảng 50% dân số toàn cầu bị khan hiếm nước ít nhất một tháng mỗi năm. Người dân bị căng thẳng về nước; quốc gia giảm sự ổn định xã hội; tình trạng gia tăng di cư và thị trường lao động mất đi việc làm (do 80% việc làm ở các quốc gia thu nhập thấp phụ thuộc vào nước). Hơn 33% các quốc gia châu Phi được coi là “không an toàn về nước” do khí hậu thay đổi làm tăng nhiệt độ và lượng mưa.

LHQ cảnh báo, một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu sắp xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, sức khỏe và sinh kế. Bên cạnh đó, sự nóng lên toàn cầu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước bằng cách khuếch đại chu trình nước, dẫn đến lượng hơi nước cao hơn, tác động trực tiếp đến các kiểu thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa của Trái đất… qua đó, tạo ra lũ lụt và hạn hán quá mức.

Trước tình hình trên, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hợp tác với UpLink để nghiên cứu, đưa ra phương thức giải quyết một số thách thức, khó khăn tình trạng khan hiếm nước. Một trong những phương thức là Sáng kiến Thử thách Nước ngọt Toàn cầu (The Global Freshwater Challenge) được phát động vào năm 2022. Kéo dài 5 năm, Sáng kiến nhằm mục tiêu làm cho hệ sinh thái nước ngọt trở nên lành mạnh và bền vững hơn. Đến nay, đã có một số dự án được ghi nhận làm mang lại triển vọng giải quyết khan hiếm nước cho Vùng Sừng châu Phi và Vùng Sahel, chẳng hạn:

Wateroam: Wateroam tạo ra một máy bơm lọc di động (chỉ nặng khoảng 5kg) để mang nước uống an toàn đến các vùng thiên tai và cộng đồng nông thôn. Máy bơm thủ công có buồng siêu lọc có thể loại bỏ 99,99% vi khuẩn và virus, bao gồm cả vi khuẩn E.Coli và Salmonella. Nước có thể uống ngay sau khi lọc, rẻ tiền và dễ sử dụng. Sáng kiến hiện được sử dụng ở hơn 40 quốc gia, bao gồm cả Nam Phi và đang hỗ trợ hơn 200.000 người trên toàn thế giới.

Openversum: Phát triển một hệ thống lọc nước hiện đang được sử dụng ở Somalia và Uganda. Bộ lọc có thể được sản xuất tại chỗ, có khả năng loại bỏ các chất gây ô nhiễm như mầm bệnh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu và chất ô nhiễm vi mô khỏi nước. Đây là một bước phát triển quan trọng vì vệ sinh kém và xử lý nước thải không đầy đủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Hơn nữa, chi phí sản xuất bộ lọc thấp và dễ dàng sản xuất tại địa phương có thể giúp tạo cơ hội việc làm ở những khu vực bị ảnh hưởng.

Majik Water: Đây là một tổ chức do phụ nữ lãnh đạo sử dụng công nghệ sản xuất nước từ không khí ở các vùng khô cằn và bán khô cằn ở Kenya. Khai thác nước ngọt từ không khí an toàn hơn khai thác nước ngầm vì nước ngầm ít nhiều chứa hàm lượng Asen, Florua cao. Công nghệ này hoạt động như một máy hút ẩm, hút không khí vào máy thông qua bộ lọc tĩnh điện, đi qua các ống được làm lạnh và sau đó tạo hơi ẩm trên các ống. Cuối cùng, nước được đưa vào bể chứa. Hiện nay, 90% nguồn nước ở Kenya đã cạn kiệt, làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng và nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, với công nghệ này, hơn 200.000 lít nước uống sạch đang được sản xuất mỗi tháng bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Tùng Anh (Theo WEF)