PortalViewLandingPage
 
Thứ Tư, 13 /11/2024 07:48
 

 

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng hình thức không dùng tiền mặt (qua tài khoản ATM) đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong nhiều năm qua. Việc thực hiện phương thức này không chỉ đem lại tiện tích cho người hưởng, mà còn giúp cơ quan chi trả bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót; giảm bớt áp lực, thời gian tổ chức chi trả.

Chia sẻ sự hài lòng về phương thức chi trả này, ông Nguyễn Văn Mạnh (thôn Vĩnh Hội, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) cho biết, kể từ tháng 6/2024, ông không cần phải “canh” đúng ngày, rồi dậy từ sáng sớm để đi lĩnh lương hưu nữa. Để có được tiện ích này, ông Mạnh chỉ mất khoảng 10 phút làm thủ tục khai báo thông tin cá nhân tại UBND phường, để được ngân hàng cấp tài khoản ATM.

“Nếu như nhận lương hưu bằng tiền mặt chỉ có một ngày cố định trong tháng tại nhà văn hóa, chẳng may trong ngày đó đau ốm hay có công việc không đi nhận được thì hôm sau phải lên tận Bưu điện khá bất tiện; còn nhận qua tài khoản thì có thể rút bất cứ lúc nào có nhu cầu. Chi trả trực tiếp có thuận lợi là hằng tháng cứ đến điểm chi trả, thời gian cố định là lĩnh tiền luôn, nhưng bất lợi là cả phường tập trung một lần, rất đông người, thời gian chờ đợi lâu, các cụ nhận lương xong đi công việc khác, mang theo tiền đôi khi làm mất, hoặc có sai sót, nhầm lẫn”- ông Mạnh chia sẻ.

Ông Đặng Phúc (thôn 4, thị trấn Vũ Quang) nguyên là cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Vũ Quang, cũng tỏ ra rất hài lòng khi nhận lương hưu qua thẻ ATM, bởi nó vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa không phải xếp hàng chờ đợi. “Tôi thấy việc chuyển sang phương thức chi trả này là một bước tiến lớn, không chỉ thuận tiện, mà còn giúp tôi quản lý tài chính tốt hơn và cũng cảm thấy an toàn hơn do không phải mang tiền mặt bên người. Cơ quan BHXH đã rất tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ lợi ích của việc lập tài khoản cá nhân”- ông Phúc cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để đạt được kết quả tích cực này, trước hết xuất phát từ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động quyết liệt của người đứng đầu địa phương, BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan. “Đầu năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa nội dung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án 06, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn đạt trên 70%; đưa nội dung này trở thành điểm sáng trong công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh Hà Tĩnh năm 2024”- ông Đồng thông tin.

Đặc biệt, theo ông Đồng, nhân tố đầu tiên cho sự thành công này chính là sự chủ động của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bộ từ khâu tham mưu, chỉ đạo, cho đến tổ chức thực hiện… Cụ thể, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh và Tổ công tác Đề án 06 tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.

Từ thời điểm tháng 2/2024, nhiều văn bản hiệu quả trong chỉ đạo, triển khai thực hiện đã được ban hành như: Kế hoạch số 48/KH-TCTTKĐA06 ngày 7/2/2024 về việc triển khai thực hiện Đề án 06; Công văn số 2280/UBND-VX1 ngày 24/4/2024 về việc đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu và các chế độ BHXH địa bàn tỉnh; Quy trình số 597/QTPH-CAT-BHXH ngày 11/4/2024 về việc phối hợp giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu cho Tổ công tác Đề án 06 UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và giao chỉ tiêu vận động đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho các xã, phường, thị trấn…

Thực tế việc chi trả qua ATM tạo thuận lợi cho người dân được chủ động về thời gian, địa điểm rút tiền; bảo đảm chi trả kịp thời, đúng người hưởng, đúng số tiền; thời gian chi trả sớm hơn so với người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại điểm chi trả trực tiếp; được nhận tiền lãi ngân hàng khi chưa rút hết tiền lương hưu, trợ cấp BHXH trong tài khoản… Tuy nhiên, với nhiều người dân sống ở vùng nông thôn, ngoài tâm lý quen dùng tiền mặt, nhiều người vẫn chưa hiểu hết những tiện ích mà việc sử dụng tài khoản cá nhân mang lại, nên rất cần cách tiếp cận “gần” hơn nữa.

Do đó, ngay từ kỳ chi trả tháng 5/2024, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an, các đơn vị liên quan, tổ chức tín dụng và Tổ chuyển đổi số các địa phương triển khai đợt cao điểm ra quân vận động, lấy thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH để vận động, hướng dẫn người dân mở và kích hoạt tài khoản ATM. Theo kết quả điều tra, vào tháng 5/2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 70.120 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trong đó có 20.026 người nhận chế độ qua thẻ ATM, tương đương 34,26%. Ngoài BHXH TX.Hồng Lĩnh đã hoàn thành chi trả qua ATM cho 100% người hưởng từ tháng 4/2024, các địa bàn khác đều có tỷ lệ rất thấp.

Thế nhưng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến kỳ chi trả tháng 6/2024, Hà Tĩnh đã có 68.110 người đã đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân, nâng tỷ lệ chung của toàn tỉnh lên 97,13%. Trong đó, có thêm 2 địa phương đạt tỷ lệ 100% người nhận chế độ qua tài khoản ATM là TX.Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; một số địa phương đạt tỷ lệ trên 98% đến 99% như: TP.Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà, huyện Vũ Quang, huyện Hương Sơn...

Chia sẻ từ một trong những địa phương “đột phá” ngay từ tháng đầu tiên thực hiện các đợt tuyên truyền cao điểm, ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch UBND xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang) cho biết, bám sát chủ trương của Tổ chuyển đổi Đề án 06 cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện, UBND xã đã phân công nhiệm vụ cho từng nhóm, tổ để tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách thức nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với BHXH huyện, Công an xã và các hội, đoàn thể nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. “Các giải pháp đồng bộ đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là những người cao tuổi được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình mà không gặp phải trở ngại nào…”- ông Cường đánh giá.

Cùng góc nhìn tích cực về “hành trình” triển khai chủ trương này, ông Nguyễn Đức An- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) cho biết thêm, toàn huyện Vũ Quang có 2 cây ATM của ngân hàng Agribank; ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa ít cây ATM nên người dân thường dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, UBND xã xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần tăng tính minh bạch và giảm rủi ro trong giao dịch, nên rất quyết tâm triển khai.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hà (thôn Vĩnh Hội, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) tỏ rõ sự phấn chấn với phương thức chi trả này. “Việc nhận lương hưu qua tài khoản ATM giúp tôi nhận lương hưu sớm hơn vài ngày so với nhận bằng tiền mặt. Mặt khác, từ bây giờ, hằng tháng tôi sẽ giữ lại một ít tiền trong tài khoản để tích góp khi có công chuyện lớn cần dùng đến, thì lúc đó mới cần lấy ra...”- bà Hà chia sẻ cảm nhận về tiện ích mà phương thức này mang lại.

Nhìn nhận lại quá trình thực hiện một trong các nội dung “chuyển đổi số” hiệu quả trong chi trả an sinh xã hội, ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “Chuyển đổi số là một mục tiêu lớn của Chính phủ với nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động của các cơ quan chức năng đến đời sống người dân. Thực tế chuyển đổi số không phải khái niệm xa vời với bất kỳ người dân nào, khi bản thân họ có thể bắt đầu bằng cách tiếp nhận các tiện ích phục vụ cho chính bản thân mình. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng xác định rằng, chuyển đổi phương thức nhận tiền chi trả xuất phát từ sự tự nguyện của người dân, nhưng bất kỳ một thay đổi nào cũng cần có tạo sự chuyển biến trong nhận thức người dân, để họ sẵn sàng tiếp nhận cái mới…”.

Theo ông Đồng, ngay từ khi triển khai chủ trương, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã nhận thức rõ một số khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù của địa bàn. Cụ thể như, tại khu vực ngoài đô thị, đặc biệt là các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hầu hết các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng, chưa có đầy đủ phòng/điểm giao dịch, cột rút tiền tự động ATM; hạ tầng mạng (3G, 4G) ở một số nơi vùng sâu, vùng xa còn yếu. Đặc biệt, một số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đã cao tuổi, việc sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi, cập nhật số dư trong tài khoản còn hạn chế; thói quen thích sử dụng tiền mặt của người dân gắn với một số tập tục văn hóa ở địa phương như thăm hỏi, hiếu hỷ…

Để khắc phục khó khăn, trong tháng 6/2024, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an tỉnh (cơ quan thường trực Đề án 06 trên địa bàn) quyết liệt mở đợt “Cao điểm 30 ngày” để rà soát, tuyên truyền, vận động người hưởng mở tài khoản ATM đảm bảo hệ dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng lập nhóm Zalo toàn tỉnh để kịp thời trao đổi, thảo luận các nội dung khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, cơ quan BHXH đã làm tốt vai trò tham mưu về lộ trình, tiến độ công việc, rà soát, nhận diện rõ những nguy cơ, “điểm nghẽn”, công bố công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của các địa phương theo thứ tự tăng-giảm để các đơn vị nắm rõ và thực hiện...

Với sự phối hợp đồng bộ giữa BHXH tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin-Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Bưu điện tỉnh, UBND các cấp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các tổ/nhóm đã được thành lập, trực tiếp đến các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp để tuyên truyền, vận động, lấy thông tin người hưởng; đồng thời xử lý, hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người hưởng trong quá trình mở tài khoản cũng như nhận tiền lương thông qua tài khoản cá nhân…

BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng phối hợp, vận động các ngân hàng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân tham gia như: Miễn phí mở thẻ, duy trì thẻ, miễn phí phát sinh khi giao dịch thẻ... Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân trên địa bàn biết được tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Hà Tĩnh với nhiều hình thức như: Thông báo trên hệ thống loa phát thanh; thiết kế đồ họa thông tin điện tử; đăng tải thông tin trên báo, đài...

Kết quả của những nỗ lực này là sự “chuyển động” ngay từ nhận thức của người dân như nhận xét của ông Nguyễn Đức Công- Chủ tịch UBND phường Thạch Quý (TP.Hà Tĩnh): “Ban đầu các bác cao tuổi đang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH còn có không ít nghi ngại, chưa cảm nhận hết các nội dung của chủ trương chi trả không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, hầu hết người hưởng đã sẵn sàng tiếp nhận phương thức chi trả mới này, cũng như đánh giá cao lợi ích trong việc chuyển đổi. Theo kế hoạch, TP.Hà Tĩnh dự tính mất khoảng 1-2 tháng để vận động người hưởng chuyển đổi sang hình thức nhận qua tài khoản cá nhân, nhưng chỉ trong vòng một tuần thực hiện cao điểm, các phường, xã đã triển khai mạnh mẽ và về đích vượt kế hoạch được giao”. Theo đó, từ kỳ chi trả tháng 6/2024, TP.Hà Tĩnh đã nâng tỷ lệ này từ 48,89% lên 99,97% vào kỳ chi trả tháng 7/2024, và đến nay đã đạt 99,99%.

Vẫn rất ấn tượng về “điều tuyệt vời” từ việc mạnh dạn sử dụng công nghệ, bà Hồ Thị Nhung (Tổ dân phố Phố Hòa, phường Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh) kể, ngay trong ngày đầu tiên của kỳ chi trả lương hưu được Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng lên 15% là ngày 1/7, bà đã nhận lương hưu qua tài khoản ATM với số tiền 5.564.900 đồng, tăng 725.500 đồng so với mức lương tháng 6/2024. “Cảm ơn Nhà nước đã rất quan tâm đến những người nghỉ hưu như chúng tôi, bởi khi về già, ngoài lương hưu không còn khoản thu nhập nào khác. Việc lĩnh chế độ qua tài khoản ngân hàng đã đem lại rất nhiều lợi ích, vừa nhanh, vừa an toàn, mà lại không phải mất thời gian đi đến các điểm chi trả…”- bà Nhung chia sẻ.

Theo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, trong thời gian qua, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 7/2024 sớm hơn so với lịch thường kỳ từ 3 đến 5 ngày theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Việc chi trả qua tài khoản cá nhân đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, nhận được phản hồi tích cực của người thụ hưởng chế độ. Để công tác “chuyển đổi số” này tiếp tục phát huy hiệu quả, ngày càng phục vụ tốt hơn người dân, BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn tiếp tục có sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Đặc biệt, BHXH tỉnh rất mong muốn các nhà mạng như VNPT, Viettel, FPT tăng cường khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động chất lượng cao (5G) để người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh cũng như các ứng dụng số của ngân hàng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt một cách thuận lợi và nhanh chóng. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng bố trí mạng lưới và mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là tại những nơi ngoài khu vực đô thị, thực hiện miễn giảm các loại phí cho người hưởng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, ngành Công an tiếp tục phối hợp với cơ quan BHXH rà soát, làm sạch thông tin, dữ liệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; kịp thời điều chỉnh thông tin người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT nhằm bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và an toàn.

Bài: Nam Quốc- Như Hoa- Thái An

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận