PortalViewLandingPage
 
Chủ nhật, 29 /10/2023 13:03
 

Những tác động thực tế của chính sách BHXH tự nguyện khiến nhiều nhà khoa học ngày càng quan tâm, chú trọng nghiên cứu sâu hơn, đem đến những góc nhìn mới cả về lý luận và thực tiễn về BHXH. Đặc biệt, mới đây, TS.Đỗ Thị Thu- Giảng viên chính Khoa Kinh tế (Học viện Ngân hàng) đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo “BHXH tự nguyện ở Việt Nam”.

Đây là một công trình khoa học rất đáng ghi nhận trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH, bước đầu đưa ra nhiều nội dung mới về BHXH tự nguyện. TS.Đỗ Thị Thu đã chia sẻ xoay quanh công trình nghiên cứu của mình; đồng thời đưa ra những đánh giá, phân tích về chính sách BHXH tự nguyện ở nước ta.

* PV: Được biết chị vừa mới xuất bản cuốn sách chuyên khảo “BHXH tự nguyện ở Việt Nam”. Vậy, xuất phát từ đâu chị lại có ý tưởng nghiên cứu, xuất bản sách chuyên khảo về một nội dung tương đối đặc thù là BHXH tự nguyện?

- TS.Đỗ Thị Thu: Với định hướng nghiên cứu chuyên sâu về khu vực công và các vấn đề phát triển bền vững, an sinh xã hội là chủ đề tôi đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày đầu tiên làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Ngân hàng.

Nhìn chung, có thể thấy, một hệ thống an sinh xã hội thường có 4 chức năng cơ bản đó là: Phân phối lại thu nhập, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương; thúc đẩy việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động; nâng cao năng lực quản lý rủi ro cho không chỉ các cá nhân, doanh nghiệp, mà còn nâng cao khả năng tự phục hồi cho nền kinh tế trước các cú sốc kinh tế-xã hội.

Ở Việt Nam, an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Trong đó, BHXH là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, BHXH tự nguyện ra đời được coi là một trong những điểm sáng chính sách, mở rộng độ bao phủ tới các nhóm lao động phi chính thức, là những lao động dễ bị tổn thương hơn cả trước các cú sốc kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tầm quan trọng của BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, vẫn chưa được NLĐ nhìn nhận một cách đầy đủ.

Do đó, xuất bản cuốn sách “BHXH tự nguyện ở Việt Nam”, tôi mong muốn không chỉ góp phần cung cấp một cách hệ thống các kiến thức chuyên sâu về BHXH tự nguyện, làm tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, mà còn mong muốn lan toả sâu rộng hơn nữa chính sách này tới tất cả các bạn đọc, góp phần nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về ý nghĩa và mục tiêu của chương trình này.

* Chị có thể chia sẻ rõ hơn về một số nội dung, điểm mới trong cuốn sách về BHXH tự nguyện của mình?

- Với mục tiêu cung cấp một cách hệ thống các vấn đề chuyên sâu về BHXH tự nguyện dưới góc độ lý luận và thực tiễn, cuốn sách chuyên khảo “BHXH tự nguyện ở Việt Nam” đã hệ thống hóa được các vấn đề lý luận về BHXH tự nguyện; phân tích được thực trạng thiết kế, thực thi chính sách và thực trạng bao phủ BHXH tự nguyện ở Việt Nam; đồng thời cung cấp bằng chứng thực nghiệm nhằm kiểm định lý thuyết về các yếu tố tác động đến sự tham gia BHXH tự nguyện ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, cuốn sách đã thảo luận một số giải pháp nhằm mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, cuốn sách là một trong số rất ít các tài liệu mô tả, làm rõ nhóm lao động ở giữa bị bỏ sót (the missing-middle) trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Mặc dù với thiết kế hiện tại, hệ thống BHXH Việt Nam hướng đến bao phủ 100% lực lượng lao động. Tuy nhiên, với các quy định về mức đóng tối thiểu, có thể nhận thấy, vẫn có một bộ phận rất lớn người lao động không được bảo vệ bởi lưới an sinh xã hội.

Kết quả tính toán dựa trên dữ liệu ghi nhận cho thấy, có tới 77,39% lao động phi chính thức không thuộc diện nghèo (không nhận được các khoản trợ cấp cho người nghèo) nhưng cũng chưa được bao phủ BHXH. Đặc biệt, với tính chất bấp bênh trong công việc và thu nhập, cũng như tính chất rủi ro do không được đảm bảo an toàn lao động (do không ký kết HĐLĐ), những lao động phi chính thức này có nguy cơ cao bị rớt xuống nhóm lao động nghèo tạm thời trước các cú sốc kinh tế-xã hội. Đặc biệt, khi không tham gia hệ thống BHXH, họ cũng rất dễ bị lọt khỏi lưới an sinh xã hội khi Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ khẩn cấp.

* Với góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, chị đánh giá như thế nào về tốc độ phát triển BHXH tự nguyện ở Việt Nam thời gian qua?

- Về tốc độ phát triển BHXH tự nguyện thời gian qua, theo tôi, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc gia tăng độ bao phủ BHXH tự nguyện. Tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện có xu hướng tăng dần cả về số người tham gia và tỷ lệ tham gia trên tổng số lao động. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức thực hiện và các chiến dịch ra quân, tuyên truyền về BHXH tự nguyện được thực hiện bởi các cơ quan BHXH từ Trung ương tới các tỉnh, thành trong cả nước trong những năm qua.

Bên cạnh đó, BHXH tự nguyện ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động dễ bị tổn thương. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, một cách khách quan, cần nhìn nhận lại tỷ lệ bao phủ vẫn còn hạn chế của chương trình này. Theo số liệu thống kê được trình bày trong cuốn sách “BHXH tự nguyện ở Việt Nam”, tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 2,9% lực lượng lao động vào năm 2022, và rất nhỏ so với tỷ lệ lao động phi chính thức trong toàn bộ lực lượng lao động là khoảng 65% vào năm 2022 (nguồn Tổng cục Thống kê- năm 2023). Bên cạnh đó, mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm trong một vài năm trở lại đây cùng với việc gia tăng số người rút BHXH một lần. Đây là những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

* Từ những nghiên cứu của mình, chị bình luận như thế nào về những nội dung liên quan BHXH tự nguyện trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)? Và, chị sẽ đưa ra những khuyến nghị gì để phát triển mạnh mẽ BHXH tự nguyện?

- Dễ dàng thấy được, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp tới đã có nhiều thay đổi mang tính quyết liệt, nhằm hoàn thiện các chế độ BHXH theo các quan điểm quốc tế, gia tăng độ bao phủ BHXH cũng như giải quyết vấn đề rút BHXH một lần.

Chẳng hạn, quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, bổ sung chế độ thai sản đối với BHXH tự nguyện, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bổ sung các quy định về BHXH cho lao động di cư quốc tế; đồng thời thúc đẩy các hiệp định về BHXH với các quốc gia trong khu vực và thế giới, bổ sung và điều chỉnh quy định về trợ cấp hưu trí xã hội để đảm bảo sàn an sinh xã hội...

Với các bằng chứng thực nghiệm có được trong quá trình nghiên cứu về BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, theo tôi, các điều chỉnh chính sách này sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng bao phủ BHXH cũng như đẩy nhanh quá trình hiện thực hoá mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân.

Dù vậy, tôi cho rằng, cần có sự thống nhất về các chế độ ngắn hạn, chế độ tử tuất giữa BHXH tự nguyện với BHXH bắt buộc, để đáp ứng chặt chẽ hơn các quan điểm quốc tế về bao phủ BHXH cũng như gia tăng tính hấp dẫn cho chương trình BHXH tự nguyện. Đồng thời, sự phối kết hợp giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện Luật BHXH cũng cần được quy định rõ, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, thúc đẩy mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện nói riêng và BHXH nói chung trong thời gian tới.

* Trong bối cảnh hiện nay, theo chị, đâu là yếu tố thuận lợi và thách thức đối với mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện?

- Tôi cho rằng, phát triển BHXH tự nguyện trong thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, với định hướng và mục tiêu rõ ràng, tôi tin rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi về thực thi chính sách BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu gia tăng độ bao phủ chiều rộng và nâng cao mức phúc lợi cho lao động phi chính thức. Cụ thể, mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện theo chiều rộng và chiều sâu đã được xác định là một trong những mục tiêu lớn trong phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 16/2/2011 cũng đã xác định một trong các mục tiêu quan trọng cho phát triển toàn diện kinh tế-xã hội ở Việt Nam đến năm 2020, đó là: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Phát triển mạnh hệ thống BHXH, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011).

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH (bao gồm BHXH tự nguyện) và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, ngày 3/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, các chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cũng cần được xây dựng theo những nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp cụ thể. Tính rõ ràng và nhất quán trong chính sách và sự phối hợp thực hiện chính sách BHXH tự nguyện là những yếu tố hết sức thuận lợi để chúng ta mở rộng BHXH tự nguyện thời gian tới.

Thứ hai, tiếp nối sự thành công của các chương trình vận động, tuyên truyền và phổ biến chính sách, BHXH tự nguyện đã tiếp cận được nhiều hơn đến các nhóm lao động phi chính thức. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để chúng ta tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thực hiện tốt lộ trình mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện đã được nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

 

Thứ ba, với những điều chỉnh đối với chính sách BHXH tự nguyện được nêu trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), có thể nhận thấy, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu và mở rộng chế độ thai sản sẽ là những điểm hấp dẫn đối với lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động nữ.

Thứ tư, một số thuận lợi từ bối cảnh kinh tế-xã hội. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng đang dần hồi phục sau ảnh hưởng của dịch bệnh và diễn biến kinh tế, chính trị thế giới. Đây là điều kiện tiền đề cho phát triển BHXH tự nguyện.

Thứ năm, sự phát triển của các nền tảng công nghệ số cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất định trong việc kết nối giữa các cơ quan quản lý về BHXH với lao động phi chính thức, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống BHXH.

Thứ sáu, sự phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam cũng là yếu tố thuận lợi, góp phần thúc đẩy người lao động gia tăng tiết kiệm cho tương lai thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, phát triển BHXH tự nguyện thời gian tới cũng có thể đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như:

Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nắm bắt đầy đủ thông tin về lao động phi chính thức. Do đó, sẽ có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, tuyên truyền cũng như khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện.

Điều kiện kinh tế của một bộ phận lao động phi chính thức chưa thực sự ổn định sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là yếu tố hạn chế sự tham gia BHXH tự nguyện đối với nhóm lao động này.

Việc áp dụng kỹ thuật số trong quá trình đăng ký, quản lý BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng vẫn chưa thực sự phổ cập do những hạn chế từ phía NLĐ, nhất là quá trình tiếp cận và sử dụng các ứng dụng này.

Mặt khác, phát triển kinh tế số cũng sẽ làm gia tăng một bộ phận lao động phi chính thức. Việc tiếp cận để bao phủ nhóm lao động này vẫn cần thêm những quan sát và nghiên cứu thực nghiệm trong thời gian tới.

* Sau công trình nghiên cứu và ấn phẩm chuyên khảo “BHXH tự nguyện ở Việt Nam”, thời gian tới, chị có dự định tiếp tục nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực này? Chị có thể chia sẻ một vài định hướng tiếp theo?

- Hiện tại, tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm về lĩnh vực này và hy vọng sẽ có thêm những đóng góp mới cả về lý luận và thực tiễn. Một trong những định hướng nghiên cứu tôi đang quan tâm hiện nay, đó là những khoảng cách còn tồn tại trong hệ thống BHXH. Thu hẹp những khoảng cách này sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu mở rộng bao phủ BHXH, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển hệ thống an sinh xã hội.

* Trân trọng cảm ơn!

Minh Đức (Thực hiện)

Đồ hoạ: Hiểu Thanh


Viết bình luận