* PV: Thưa ông, ngày 16/2/2025- đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 30 năm Ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam. Với vai trò là người đứng đầu tổ chức đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, CNLĐ cả nước, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của ngành BHXH Việt Nam đối với công cuộc kiến tạo và phát triển an sinh xã hội đất nước?
- Ông Nguyễn Đình Khang: Có thể nói, trong suốt 30 năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển chính sách an sinh xã hội. Chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tăng trưởng kinh tế luôn song hành cùng bảo đảm an sinh xã hội một cách công bằng. Điều này thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của nguyên đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “… Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển”.
Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, cùng với sự phát triển kinh tế là sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, chính sách BHXH, BHYT đã phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Không chỉ thực hiện tốt chức năng triển khai chính sách, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách của nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong đó có tổ chức Công đoàn. Từ đó, đã kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT với mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Trong năm 2024, có 2 dự án luật (Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT) được Quốc hội chính thức thông qua, có sự đóng góp rất lớn của BHXH Việt Nam, trong đó đã bổ sung nhiều quyền lợi cho CNLĐ và được kỳ vọng sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân.
* Bàn về thành tựu và kết quả đạt được của ngành BHXH Việt Nam, không thể không nói tới những giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người tham gia, đặc biệt là cho đội ngũ CNLĐ. Qua theo dõi hoạt động của BHXH Việt Nam, ông ấn tượng với giải pháp nào nhất?
- Đối với CNLĐ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thực sự đã trở thành “điểm tựa” vững vàng khi họ không may gặp phải những rủi ro trong quá trình lao động như: Ốm đau, nghỉ thai sản, tai nạn lao động, mất việc làm, lương hưu khi về già…
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực, trên cơ sở nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời, chính xác các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp tới từng người thụ hưởng, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu NLĐ và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh… Những kết quả này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân và toàn xã hội ghi nhận, đánh giá rất cao. Có thể nói, đây cũng là một trong những dấu ấn nổi bật của BHXH Việt Nam trong 3 thập kỷ xây dựng và phát triển.
* Như ông nhận định, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vô cùng quan trọng đối với NLĐ. Vậy thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã phối hợp với BHXH Việt Nam như thế nào để triển khai hiệu quả các chính sách này?
- Trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ luôn chủ động, tích cực trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Việc làm. Để NLĐ có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn quan tâm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói riêng tới NLĐ với nhiều thức phong phú, sinh động.
Bên cạnh đó, đề xuất kiến nghị giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT; tăng cường các chính sách tín dụng, cho vay lãi suất thấp để phòng, chống tình trạng tín dụng đen và người lao động rút BHXH một lần…
Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam đã 2 lần ký kết Quy chế phối hợp công tác (giai đoạn 2015-2022 và giai đoạn 2023-2028). Công tác phối hợp đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác như: Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thông tin, truyền thông, tập huấn, đối thoại; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
* Trong chặng đường phát triển tiếp theo, ông kỳ vọng như thế nào đối với ngành BHXH Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, để có thể đáp ứng được mong mỏi của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước?
- Bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ nói riêng và nhân dân nói chung là một trong những vấn đề trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước, là chủ trương đúng đắn và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Với những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, tôi tin tưởng ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; qua đó đồng hành cùng Công đoàn Việt Nam là “điểm tựa” vững vàng cho đông đảo CNLĐ cả nước trong giai đoạn mới.
Hiện nay, xu hướng chung của các nước trên thế giới là lựa chọn mô hình hệ thống an sinh xã hội hoàn chỉnh, vừa hướng đến hiệu quả, vừa kết hợp đề cao trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và Nhà nước. Đó là một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt và có thể hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục được các rủi ro cho người dân. Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 được thông qua mở ra những thuận lợi rất lớn cho BHXH Việt Nam hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi BHXH Việt Nam cần nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng hệ thống mở, đa liên kết với các địa phương, tổ chức, nhằm tạo mạng lưới rộng rãi và đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính.
Nền kinh tế-xã hội luôn vận động nhanh chóng và không chờ đợi ai. Trước đây, không nhiều người nghĩ rằng dữ liệu là một nguồn tài nguyên, thế nhưng hiện nay dữ liệu lại là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Vì vậy, BHXH Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để khẳng định mình trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Bên cạnh đó là công tác truyền thông, dù đây là một trong những nội dung đã được làm tốt thời gian vừa qua nhưng vẫn cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh trong giai đoạn tới, bởi chỉ khi nào người dân, NLĐ hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH, BHYT, có niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội, tự nguyện và dễ dàng tham gia BHXH, BHYT thì lúc đó chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân. Đây cũng là những vấn đề đặt ra cho BHXH Việt Nam trong bối cảnh mới, nhằm góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân vững bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hằng (Thực hiện)
Đồ hoạ: Thanh An