PortalViewLandingPage
 
Thứ Năm, 31 /10/2024 09:49
 

 

So với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng, công tác chuyển đổi số ở các tỉnh miền núi như Điện Biên phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nguồn lực đầu tư ít, trình độ dân trí còn thấp. Tuy nhiên, nhận thức “chuyển đổi số chính là phương thức để giúp rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền nhanh nhất”, cùng với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội tại tỉnh Điện Biên đã và đang có nhiều chuyển biến toàn diện, tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quản lý xã hội, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân.

Như thường lệ, hằng tháng, cán bộ, nhân viên BHXH huyện Mường Ảng và Bưu điện huyện lại đến nhà những trường hợp già yếu, không thể đi lại để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2024, thực hiện chủ trương của BHXH Việt Nam về đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH huyện cùng ngành Bưu điện và các ngân hàng trên địa bàn đã cùng chung tay, hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng cho người hưởng và số tiền trợ cấp hằng tháng sẽ được chuyển vào thẻ ATM.

Mặc dù đa số người dân đều biết việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH qua tài khoản ngân hàng là cần thiết, phù hợp với xu thế, nhưng những người cao tuổi, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa… thì còn nhiều e ngại. Ông Lò Văn Khôm, dân tộc Thái, 68 tuổi, trú tại Bản Ten (xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng) cho biết: “Với người già, dùng thẻ ATM sẽ rất khó. Tuổi cao, mắt mờ, đi lại khó khăn nên phải nhờ con cháu hỗ trợ khi cần”.

Ông Tòng Văn Tọt, dân tộc Thái, 62 tuổi, trú tại bản Na Luông (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) cũng cho biết: “Lúc đầu, việc thay đổi thói quen không dùng tiền mặt với những người cao tuổi rất khó. Nhưng khi được cán bộ BHXH huyện và Bưu điện huyện tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả lương hưu qua tài khoản, tôi thấy cũng hữu ích. Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được đảm bảo an toàn số tiền và có thể chủ động thời gian rút tiền mà không phải chờ đợi, xếp hàng và làm các thủ tục như nhận tiền mặt”.

Không chỉ ở huyện Mường Ảng mà nhiều địa phương khác trong tỉnh Điện Biên, người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng đa phần là người lớn tuổi, đi lại khó khăn, có thói quen sử dụng tiền mặt, sợ trục trặc khi rút tiền,… nên một số người vẫn muốn nhận tiền mặt tại các điểm chi trả. Vì vậy, BHXH và Bưu điện đã linh hoạt tuyên truyền, đến nhà người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH giải thích, thuyết phục để họ nhận thức đúng về hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho bản thân; đồng thời giúp cơ quan BHXH nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chi trả các chế độ, chính sách.

Ông Trần Minh Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Thay vì nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trực tiếp tại các điểm chi trả, nhiều người đã đăng ký nhận chi trả qua tài khoản cá nhân. Đây là cách thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Với phương thức này, hằng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Số còn lại chúng tôi linh hoạt vẫn mở tài khoản, nhưng tạo điều kiện để các đối tượng được hưởng theo cách thuận tiện nhất đối với họ”.

Để quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” tại các vùng miền núi, DTTS, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp nỗ lực thực hiện chuyển đổi số tại những địa bàn có khó khăn.

Ông Trần Minh Tuấn cho biết, với sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của BHXH Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh nơi người hưởng mở tài khoản cùng với sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu của tập thể CCVC, NLĐ, BHXH tỉnh Điện Biên đã vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong thời gian thực hiện thí điểm cơ quan BHXH chuyển tiền chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng.

Thực hiện Nghị định 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính Phủ về việc Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, BHXH tỉnh đã không quản ngày đêm điều chỉnh kịp thời cho 14.992 người hưởng với tổng số tiền chi trả là 91,5 tỷ đồng. Ngay trong ngày 1 và 2/7/2024, BHXH tỉnh Điện Biên đã chuyển tiền vào tài khoản cho 8.050 người với số tiền 54,5 tỷ đồng.

Cũng theo Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt đang còn một số khó khăn. Đó là một bộ phận người cao tuổi đi lại khó khăn, không biết sử dụng thẻ ATM hoặc trí nhớ kém dẫn tới quên mật khẩu thẻ. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, số lượng máy rút tiền tự động còn ít, rất bất tiện cho người dân khi có nhu cầu sử dụng tiền mặt.

Vì vậy, trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền rộng rãi về tiện ích khi chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng, chi trả BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thực hiện quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH thông qua đại diện chi trả; thông qua công tác chi trả trực tiếp để nắm bắt thông tin; đồng thời tiếp tục vận động người hưởng chế độ hưu trí có độ tuổi từ 65 mở tài khoản để nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân.

“Thực tế cho thấy, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản đem lại lợi ích lớn không chỉ cho cơ quan quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc và ủng hộ của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền sâu, rộng đến người dân và tổ chức thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng cần lắp đặt thêm cây ATM để tạo thuận lợi cho người dân khi cần rút tiền”- ông Trần Minh Tuấn đề nghị.

Bài: Hà Hùng

Đồ họa Thanh An


Viết bình luận