PortalViewLandingPage
 
Thứ Hai, 05 /08/2024 09:34
 

 

Theo thống kê của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có hơn 2.700 DN trốn, nợ BHXH, của hơn 50.000 NLĐ, với tổng số tiền gần 180 tỷ đồng. Thực trạng này khiến nhiều NLĐ không có thẻ BHYT để đi KCB, thậm chí ngậm đắng nuốt cay khi không được hưởng trợ cấp thai sản, thất nghiệp.

Sau nhiều năm gắn bó tại Công ty CP ĐTXD Max Real Capital (phường An Đông, TP.Huế), anh Nguyễn Văn Hải- Trưởng phòng Kinh doanh, nhận cái “kết đắng” là không có thẻ BHYT, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do DN nợ BHXH kéo dài (từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2024). Đáng nói, anh Hải cũng không thể chốt sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH tại DN khác, do chủ DN đã bỏ trốn sang Nga từ năm 2022 và đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Cùng cảnh ngộ, chị Hoàng Thị Thanh Hải (phường Thủy Biều, TP.Huế) cũng “dở khóc dở cười” khi chủ Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu số 7 nợ BHXH tới 36 tháng  (từ tháng 12/2010 đến tháng 11/2013) với tổng số tiền lên đến 1,54 tỷ đồng. Từ tháng 1/2017 đến nay, chủ DN bỏ trốn và “ôm” theo đống nợ hàng tỷ đồng, khiến anh Hải và nhiều NLĐ trong Công ty phải đối mặt với “5 không” (không chốt được sổ BHXH, không được hưởng chế độ ngắn hạn, không được hưởng BHXH một lần, không hưu trí và không tử tuất).

Đã nhiều lần, chị Nguyễn Thị Như (phường Thủy Dương, TX.Hương Thủy) tìm đến BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế hỏi về việc Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam đã truy đóng BHXH hay chưa để chốt sổ và nhận các chế độ trợ cấp. Song, lần nào chị Như cũng trở về trong nỗi thất vọng, khi được thông báo số nợ của DN này ngày càng tăng (đến nay đã lên đến hơn 6 tỷ đồng và thời gian nợ tới 31 tháng)… “Không có thẻ BHYT để KCB, giờ nghỉ việc cũng không thanh toán được trợ cấp thất nghiệp. Càng khốn đốn hơn, khi không thể chốt sổ BHXH để tiếp tục tham gia ở nơi làm việc mới, để sau này có lương hưu như các đồng nghiệp…”- chị Như bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cùng với DN chậm, nợ BHXH, trên địa bàn tỉnh có tới 288 DN phá sản, giải thể, dừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn với số tiền nợ BHXH gần 40,3 tỷ đồng. Hiện nay, Nhà nước đã có quy định cho phép DN nợ BHXH nhưng vẫn đang hoạt động giải quyết quyền lợi cho NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển đơn vị khác; đồng thời quy định ưu tiên giải quyết các khoản nợ BHXH khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ DN bỏ trốn hoặc DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH, thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều DN đã được BHXH tỉnh mời làm việc 2-3 lần, song đâu lại vào đó, số tiền nợ vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên theo thời gian. Trong đó, nguyên nhân nợ chủ yếu, theo lý giải của DN, là do gặp khó khăn, thiếu hụt đơn hàng, bất động sản đóng băng…

Số liệu mới nhất cho thấy, toàn tỉnh có 1.632 đơn vị (46.625 NLĐ) nợ BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng với số tiền 3.168 triệu đồng; 825 đơn vị (3.478 NLĐ) nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền 81.956 triệu đồng. Đáng chú ý, có nhiều DN chậm đóng với số tiền lớn như: Công ty TNHH Việt Đức nợ 54 tháng (hơn 1,7 tỷ đồng); Công ty CP Cơ khí và Xây dựng công trình 878 nợ 38 tháng (hơn 4,4 tỷ đồng); Công ty CP XDGT Thừa Thiên Huế nợ 35 tháng (5,7 tỷ đồng); Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam nợ 7 tháng (6,3 tỷ đồng)…

Mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc, xử lý và truy thu BHXH, song nhiều DN vẫn trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn nghĩa vụ đóng BHXH. Thậm chí, có DN còn thành lập pháp nhân mới, trong khi các khoản BHXH cũ vẫn bị “treo”. Mặt khác, nhiều DNNN chuyển sang cổ phần được khoanh nợ để thành lập pháp nhân mới, làm tăng thêm khó khăn cho việc giải quyết nợ BHXH.

Để hạn chế tình trạng này, trong năm 2024, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 120 đơn vị, DN. Trong 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra được 94 đơn vị; qua đó đã phát hiện, kiến nghị truy thu trên 620 triệu đồng; thu hồi đối với trường hợp chi sai; đồng thời đôn đốc các đơn vị chuyển nộp tiền chậm đóng với tổng số tiền gần 700 triệu đồng…

Nhận định về tình trạng này, bà Bùi Thị Thu Lý- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH kéo dài của các DN đang diễn ra khá phổ biến, không những gây hệ lụy trực tiếp đến NLĐ, mà còn gây rất nhiều phiền toái cho cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý lao động và gây bức xúc trong dư luận. Để hạn chế tình trạng này, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường công tác chia sẻ dữ liệu do các ngành chức năng đang quản lý, để xác định số DN chưa tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ hoặc tham gia chưa đầy đủ. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách để chủ SDLĐ hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình để có ý thức tuân thủ luật pháp; đồng thời giúp NLĐ nắm rõ quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH và chủ động theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp DN cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Phân công cán bộ chuyên quản thường xuyên kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc các DN trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật BHXH; hằng tháng thông báo kịp thời tiến độ thu để chủ SDLĐ có kế hoạch trong việc đóng nộp. Ngoài ra, thường xuyên thông tin về tình hình đăng ký tham gia và tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT của các DN cho các cơ quan chức năng như: LĐLĐ tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Cục Thuế, Công an tỉnh… để đưa công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH vào trong nội dung làm việc của các ngành…”- bà Lý nhấn mạnh.

Bài: Nguyệt Hà

Đồ họa: Hiểu Thanh


Viết bình luận