Tại huyện Chư Pưh của tỉnh Gia Lai, năm 2021, việc thực hiện chính sách BHYT gặp khá nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp. Trước thực tế trên, lãnh đạo BHXH huyện Chư Pưh đã có sáng kiến thực hiện mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình”. Sau đó, mô hình này đã được triển khai trong thực tiễn từ đầu năm 2022, đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác vận động người dân tham gia BHYT.
Ông Nguyễn Văn Mau- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, bBước đầu địa phương xây dựng mô hình điểm tại một số thôn làng có đồng bào DTTS, sau đó nhân rộng trên toàn huyện.
Cũng theo ông Mau, để thực hiện mô hình này, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các phòng, ban, hội, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và hội viên phụ nữ trên địa bàn. Đặc biệt, vai trò trụ cột của người phụ nữ trong cộng đồng các DTTS được khẳng định rõ nét hơn trong triển khai mô hình… Bên cạnh đó, nguồn quỹ để thực hiện mô hình cũng phù hợp với điều kiện thực tế của người dân, được hình thành từ sự đóng góp của các hội viên phụ nữ thông qua các hình thức lao động tập thể (thu hoạch cà phê và làm các công việc phổ thông khác).
Đến nay, mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình” đã được các huyện nhân rộng lên 20 nhóm. Theo đó, các nhóm có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các gia đình hội viên, chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, từ đó giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên phụ nữ khi ốm đau, bệnh tật.
Đồng thời, giúp các thành viên tham gia mô hình nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật về BHYT, nhất là tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia BHYT. Ngoài nguồn đóng góp của chị em, các nhóm còn vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT.
Theo kế hoạch, mỗi nhóm gồm có Ban Chủ nhiệm (2 người) và các thành viên (từ 10 người trở lên). Các nhóm duy trì mỗi quý sinh hoạt một lần hoặc họp đột xuất khi phát hiện có chị em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ BHYT. Tại các buổi sinh hoạt, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban Chủ nhiệm còn thông tin các hoạt động liên quan đến chính sách BHXH, BHYT; đồng thời các thành viên trong mô hình sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hành tiết kiệm; giới thiệu thêm những chị em có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện hỗ trợ tham gia BHYT.
Theo đại diện Hội LHPN huyện Chư Pưh, thời gian đầu mới thành lập, việc vận động chị em tham gia mô hình gặp nhiều khó khăn, nhất là phải thực sự cố gắng, nỗ lực và theo sát từng gia đình hội viên để họ không bỏ giữa chừng. Thành viên trong mô hình cũng tích cực đến từng gia đình hội viên để tuyên truyền, giúp chị em và người thân hiểu rõ quyền và lợi ích được hưởng khi tham gia BHYT.
Đến nay, kết quả thu được từ mô hình này rất đáng khích lệ. Cụ thể, 21 nhóm thuộc mô hình này đã tiết kiệm, vận động và hỗ trợ gần 1.300 hội viên tham gia BHYT cho người thân với trị giá gần 400 triệu đồng. Trong năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ cũng nhân rộng, vận động, hỗ trợ được nhiều thẻ BHYT cho chị em.
Cụ thể: Mô hình tại thôn Ia Ke (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) có 15 thành viên, đã vận động, hỗ trợ 456 thẻ BHYT với tổng trị giá hơn 130 triệu đồng; thôn Ia Sâm và Ia Ròng (huyện Chư Pưh) có 14 thành viên, đã vận động, hỗ trợ 130 thẻ BHYT với tổng trị giá hơn 65 triệu đồng. Mô hình tại làng Ring Răng (xã Dun, huyện Chư Sê) có 28 thành viên, đã vận động, hỗ trợ 74 thẻ BHYT với tổng trị giá hơn 40 triệu đồng…
Bên cạnh triển khai mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình”, các cấp Hội Phụ nữ còn chủ động vận động các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, tặng thẻ BHYT cho phụ nữ và các em học sinh thuộc diện nghèo. Đến nay, mô hình này thực sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc và tin cậy cho chị em phụ nữ, qua đó khẳng định vai trò, sự sáng tạo cũng như tinh thần trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ trong việc vận động người dân tham gia BHYT.
Bà Rơ Chăm H'Hồng- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết, trên cơ sở Quy chế phối hợp đã ký với BHXH tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với BHXH cùng cấp ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia BHYT. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của từng cá nhân hội viên với gia đình, người thân và cộng đồng...
Theo đó, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở Gia Lai đã phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp tổ chức được 3.630 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT. Đồng thời, tổ chức được 25 cuộc đối thoại trực tiếp để giải đáp các thắc mắc liên quan chính sách BHXH, BHYT với khoảng 3.000 hội viên phụ nữ tham dự; tổ chức 17 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho 1.700 nhân viên, cộng tác viên thu; giới thiệu hơn 140 hội viên là người có uy tín và có đủ điều kiện tham gia làm nhân viên thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại cơ sở.
Thực tế cho thấy, nhiều chị em phụ nữ do hoàn cảnh kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên xem nhẹ việc tham gia BHYT. Chính vì vậy, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cấp Hội khuyến khích cán bộ, hội viên thành lập các CLB, mô hình hỗ trợ tham gia BHYT, giúp các hội viên và người thân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thành lập và duy trì 43 nhóm/mô hình tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH, BHYT với khoảng 900 thành viên. Trong đó, nổi bật là mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình” với 21 nhóm và 300 thành viên. Mô hình hiện đang thực hiện tại huyện Chư Pưh và các huyện Chư Sê, Kbang.
Theo bà Rơ Chăm H'Hồng, để góp phần tăng tỷ lệ người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng tham gia BHYT, Hội LHPN tỉnh Gia Lai còn đẩy mạnh các mô hình khác như: Phong trào “Hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên vùng đồng bào DTTS về vị trí, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT.
Điển hình, tại huyện Kbang, đầu năm 2023, Hội LHPN xã Sơn Lang đã thí điểm mô hình “Hội viên phụ nữ DTTS nuôi heo đất mua BHYT” tại làng Hà Lâm. Mô hình này thu hút 25 thành viên tham gia, mỗi người được Hội LHPN xã tặng heo đất, khuyến khích mỗi tháng tiết kiệm 200-300 ngàn đồng tùy điều kiện, hoàn cảnh. Sau một năm, các thành viên đập heo dưới sự chứng kiến của già làng, trưởng thôn và Ban công tác Mặt trận. Kết quả, có 25 con heo đất được đập, thu được 5,6 triệu đồng. Số tiền này đã được dùng hỗ trợ một số chị em tham gia BHYT cho người thân.
Bài: Trà Giang
Đồ hoạ: Thanh An