Trong bối cảnh biên chế giảm, khối lượng công việc tăng, độ bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng rộng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu, đóng vai trò quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chung của Ngành.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số được tăng cường. Theo đó, Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về chuyển đối số, bảo đảm an toàn thông tin; BHXH Việt Nam đã có các Chương trình, Kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chuyến đối số và Đề án 06.
Được giao chủ trì quản lý CSDL quốc gia về Bảo hiểm, đến nay Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực với CSDL quốc gia về Dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 88,3 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH BHYT, BH thất nghiệp.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khác để kết nối và chia sẻ, làm giàu CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Với CSDL được cập nhật thường xuyên, ngày càng được “làm giàu”, “trưởng thành” và hệ thống CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông TTHC, góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN.
Bên cạnh đó, công tác cải cách TTHC cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đơn vị DN. Các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST… Toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 49,9 triệu hồ sơ gắn với từng NLĐ, chiếm 88% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý). Riêng trong thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã đảm bảo thực hiện đẩy đủ, hiệu quả 7 DVC, TTHC liên thông; tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,5 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến.
Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh chóng. Tính đến nay, trên cả nước, tại khu vực đô thị đã có khoảng 78% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg. Trong đó, số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM ước đạt khoảng 59%; nhận BHXH một lần đạt khoảng 97%; nhận trợ cấp thất nghiệp đạt khoảng 98%.
Hiện nay, đã có 100% cơ sở y tế triển khai thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân, CCCD. Đã có hơn 120 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc CCCD thành công, phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Người dân có thể sử dụng ứng dụng VssID, ứng dụng VNelD hoặc thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB BHYT một cách nhanh chóng (thực hiện qua kiosk sinh trắc thì chỉ còn 6-15 giây). Điều đó đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, giảm thời gian làm thủ tục KCB BHYT, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính.
Ngoài ra, các quy trình nghiệp vụ đã được xây dựng, tái cấu trúc để thực hiện trên môi trường điện tử, các phần mềm được liên thông, hoạt động quản trị được thực hiện trên môi trường số. BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng, tạo thuận lợi cho người dân, DN khi giao dịch cùng cơ quan BHXH. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác giám định BHYT, chăm sóc khách hàng như tích hợp Trợ lý ảo vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng cũng đã có những kết quả bước đầu.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin (ATTT) luôn được BHXH Việt Nam quan tâm, chú trọng. Trong đó, đã ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT; triển khai các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ; tổ chức diễn tập và hội nghị ATTT hằng năm; kiểm tra, đánh giá và giám sát các hệ thống thông tin của Ngành; thành lập Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng ngành BHXH Việt Nam... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý kịp thời các cuộc tấn công mạng. BHXH Việt Nam cũng phát hành các công văn tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CCVC, NLĐ bảo vệ các thông tin, dữ liệu Ngành đang quản lý, bảo đảm khai thác, sử dụng dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam.
Tại Hội nghị trực tuyến của Ngành sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng BCĐ chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam nhận định, quyết tâm chính trị của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06. Người đứng đầu phải vào cuộc, vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tham gia công tác chuyển đổi số thì mới có thể mang lại hiệu quả.
Tổng Giám đốc cũng đã chỉ ra các bài học kinh nghiệm trong triển khai chuyển đổi số, đó là: Đổi mới về tư duy, nhận thức trong công tác chuyển đổi số; sẵn sàng loại bỏ cách làm cũ không phù hợp, thay thế bằng cách làm mới gắn với ứng dụng CNTT để mang lại hiệu quả cao hơn; khi xây dựng các quy trình nghiệp vụ phải đảm bảo phù hợp, sẵn sàng triển khai thực hiện trên môi trường điện tử; sẵn sàng chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành theo đúng quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước, cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, DN; lấy kết quả phục vụ, sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số.
Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngành, Kế hoạch chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự quyết tâm của người đứng đầu trong triển khai chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06. Phân công nhiệm vụ cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Nâng cao hơn nữa nhận thức của CCVC, NLĐ trong toàn Ngành về chuyển đổi số, bảo đảm ATTT, bảo mật dữ liệu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên tương tác với người dân, DN.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, “làm giàu” CSDL quốc gia về Bảo hiểm, đẩy mạnh xác thực, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành giúp nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp DVC trực tuyến.
Thứ tư, rà soát, đơn giản hóa, liên thông, tích hợp giữa các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số; tuân thủ nghiêm ngặt việc thực hiện nhiệm vụ trên môi trường số để tăng năng suất lao động, quản lý chặt chẽ về thu- chi, phòng chống trục lợi; cắt giảm các TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN có thể thực hiện nhanh nhất, thuận tiện nhất, đảm bảo quản lý chặt chẽ, chính xác.
Thứ năm, tăng cường khai thác nguồn dữ liệu lớn sẵn có của Ngành, đẩy mạnh ứng dụng AI phục vụ quản lý, quản trị, chỉ đạo điều hành, cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định, hoạch định chính sách.
Thứ sáu, đẩy mạnh truyền thông đến người dân về công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và của ngành BHXH Việt Nam, tạo sự đồng thuận của người dân, DN, các cấp, các ngành trong chuyển đổi số thành công.
Bài: Thuỷ Hà
Đồ họa: Thanh An