* ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang):
Tôi tán thành đưa phương án 2 của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về BHXH một lần, vì phương án này đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của NLĐ trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của NLĐ trong thời gian dài. Với phương án này sẽ giữ chân được NLĐ ở lại với hệ thống BHXH; và khi kết hợp với các giải pháp khác sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. NLĐ tiếp tục tham gia BHXH sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ với quyền lợi hưởng cao hơn; có động lực để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Hiện nay, đang diễn ra tình trạng NLĐ nghỉ việc và chờ rút BHXH một lần. Rõ ràng, đây là một thực trạng đáng lo ngại. Chúng ta chưa bàn đến các ảnh hưởng vĩ mô khác, điều mà tôi muốn nói đến là 5 thiệt thòi rất cụ thể của NLĐ. Trong đó, NLĐ sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu- nguồn thu nhập hữu ích và ổn định khi về già- đây là thiệt thòi lớn nhất.
* ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương):
Tờ trình của Chính phủ đã phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án nhận BHXH một lần. Trong khi đó, NLĐ lại có cái nhìn thực tế hơn cho nhu cầu cuộc sống của họ. Nhìn từ góc độ tâm tư, nguyện vọng của những người trực tiếp sản xuất, họ luôn có suy nghĩ và cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi đối với nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Hầu hết NLĐ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu, do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe sẽ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc rất hạn chế... Vì vậy, đa phần NLĐ đã rời thị trường lao động, không tiếp tục tham gia BHXH được nữa, nên nhu cầu hưởng BHXH một lần rất lớn. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, đòi hỏi chúng ta cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của NLĐ.
Giai đoạn 2018-2022, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 60.000 người rút BHXH một lần, trong khi chỉ có 6.738 người hưởng lương hưu- chiếm 0,64% số người tham gia BHXH đến năm 2022. Về tổng thời gian đóng BHXH bình quân là khoảng 5 năm đối với nam và 6 năm đối với nữ. Dự báo năm 2023 cũng có khoảng 60.000 đến 65.000 người hưởng BHXH một lần. Nhiều người hưởng BHXH một lần dẫn đến lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh; về già những người này có khi không kịp tham gia đủ 15 năm để có lương hưu.
Báo chí cũng đăng nhiều NLĐ nhận BHXH một lần cho 5 năm, 10 năm đóng BHXH chỉ đủ trả nợ cho một năm chờ hưởng (một năm đó xem như NLĐ tự làm thất nghiệp cho bản thân) hoặc có người nhận tiền xong mua xe máy, điện thoại mới… đã sử dụng hết tiền, không tích lũy được gì. Như vậy, hệ lụy nhìn rõ nhất khi hưởng BHXH một lần là tuổi già không có lương hưu và thẻ BHYT để đi KCB.
* ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai):
Tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng tăng là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội; mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội toàn dân.
Tôi cho rằng, các phương án mà Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang hướng đến là hạn chế NLĐ hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn khó khăn trước mắt, để đảm bảo duy trì cuộc sống như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để NLĐ biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò khi bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây “sốc” chính sách, có thể khiến NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Qua nắm tình hình trên địa bàn Đồng Nai, NLĐ ở độ tuổi 40-45 hầu như khả năng lao động bắt đầu giảm sút, nguy cơ bị sa thải, mất việc nhiều. Nếu làm thêm 20 năm nữa để có lương hưu là rất khó khả thi. Vì vậy, việc rút BHXH một lần cũng là nhu cầu tất yếu, nên nhiều người đã chọn phương án này. Tuy nhiên, việc rút BHXH một lần không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi những năm tới, dân số nước ta bắt đầu già hóa.
Cụ thể, việc nhận BHXH một lần sẽ tác động đến nguồn thu nhập của NLĐ khi về già, họ tự đẩy mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội; NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu- nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già, mất cơ hội được nhận thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động… Khi đó, họ không có gì đảm bảo cho cuộc sống và dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
* ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa):
Thực tế vẫn ghi nhận hàng loạt công nhân rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc. Theo tôi, nếu làm như vậy, về lâu dài, lương hưu của NLĐ khó được đảm bảo. Với những quy định hiện hành, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng mà thời gian đóng chưa đủ 20 năm khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Đây được cho là chính sách khá thông thoáng, nên NLĐ sẽ tính tới chế độ này đầu tiên khi nghỉ việc hoặc gặp khó khăn tài chính trước mắt.
Về phía NLĐ, số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Đồng thời, NLĐ sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu và nguồn thu nhập ổn định khi về già. Bên cạnh đó, họ cũng mất cơ hội được nhận thẻ BHYT khi hết tuổi lao động. Nếu có BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của họ. Ngoài ra, thân nhân cũng mất cơ hội nhận trợ cấp mai táng phí và chế độ tử tuất nếu không may NLĐ qua đời. Do đó, muốn tăng niềm tin của NLĐ và tránh hiện tượng rút BHXH một lần, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đối với NLĐ.
Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho NLĐ, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần. Thực tế cho thấy, vì lý do nào đó, NLĐ không tham gia BHXH khi còn trẻ tuổi, đến độ tuổi trung niên (40-45 tuổi) mới tham gia BHXH. Do đó, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 20 năm, thì những đối tượng này sẽ không tham gia được. Ngoài ra, với những NLĐ không đóng BHXH liên tục, thì việc giảm thời gian tối thiểu sẽ giúp nhiều người đủ số năm tham gia và được hưởng lợi hơn.
Tuy nhiên, hiện còn những ý kiến lo ngại về việc nếu giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH thì lương hưu của NLĐ sẽ rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Song, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, vấn đề này cũng không đáng lo ngại lắm. Bởi, đề xuất giảm thời gian đóng tối thiểu là để hướng tới những đối tượng như đã nêu ở trên. Đặc biệt, dù có mức lương hưu thấp, thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho NLĐ hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước; đấy là chưa kể đến việc NLĐ còn được hưởng nhiều quyền lợi an sinh khác.
Thực hiện: Nguyệt Hà
Đồ họa: Thanh An