PortalViewLandingPage
 
Chủ nhật, 17 /11/2024 07:16
 

Đó là chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Mai, người phụ trách Trạm Y tế (TYT) xã Đắk Wer, với PV Tạp chí BHXH. “Mình nói theo đúng nghĩa đen luôn đó. Cả TYT có 7 người, nhưng ai cũng có thể tư vấn, giúp bà con tham gia hoặc gia hạn BHYT”- chị Mai giải thích. Theo chị Mai, kể từ khi TYT trở thành điểm thu BHXH, BHYT, tuy chị chịu trách nhiệm chính, song nỗ lực dệt lưới an sinh lại do toàn bộ nhân sự ở TYT cùng làm. “Vì lợi ích chung, nên ai cũng có trách nhiệm tham gia. Vả lại, giúp bà con vào lưới an sinh để được KCB BHYT, để có tiền hưu trí sau này là chuyện nên làm…”- chị Mai trải lòng.

Hoàn cảnh thuận lợi mà người phụ trách TYT xã Đắk Wer đề cập, chính là khoảng 600 lượt bà con KCB BHYT mỗi tháng. Giờ đây, TYT là địa chỉ quen thuộc với bà con ở Đắk Wer. Vì vậy, tới TYT để gia hạn hoặc tham gia mới BHYT là hết sức tiện lợi. Được biết, tổ chức dịch vụ thu- Công ty TNHH MTV Thuế 01 Đắk Nông, mà TYT xã Đắk Wer làm thành viên, đang hỗ trợ các điểm thu BHXH, BHYT rất tốt, từ việc tạo mã, lập hồ sơ, xử trí thẻ cho các ca cần gấp để đi KCB BHYT… đều được xử trí trong ngày, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.

Theo anh Nguyễn Quang Vinh- Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Đắk R’lấp, mỗi TYT xã trên địa bàn đều là một điểm thu BHXH, BHYT. “Nhiều TYT hoạt động tương tự TYT xã Đắk Wer, ai cũng chung tay, chung sức dệt lưới an sinh”- anh Vinh cho biết. Toàn huyện Đắk R’lấp có 1 thị trấn (Kiến Đức) và 10 xã, với tổng cộng 104 thôn, bon, tổ dân phố. “Mỗi thôn, bon, tổ dân phố đều có một điểm thu BHXH, BHYT. Cộng với các điểm thu khác, tính ra cả huyện có 120 điểm thu, qua đó không chỉ góp sức dệt lưới an sinh, mà còn gia tăng năng lực phục vụ nhu cầu tham gia lưới an sinh của bà con.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thạo- Chủ tịch UBND xã Kiến Thành và bà Trương Thị Hạnh- Phó Chủ tịch UBND xã, về công cuộc dệt lưới an sinh. Sự quan tâm tới lưới an sinh của chính quyền xã thể hiện rõ nét bằng những động thái cụ thể, rõ ràng. “Ngay khi được nhận thêm một công chức văn hóa xã, chúng tôi đã lập tức phân công đặc trách lĩnh vực BHXH, BHYT, nên công tác dệt lưới an sinh được phát huy rõ nét, với nhiều nội dung tham mưu sắc bén, kịp thời. Nhờ vậy, chính quyền xã đã sâu sát, gần gũi, hỗ trợ kịp thời các thôn, bon trong nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu được giao”- ông Thạo thông tin.

Được giao đặc trách lĩnh vực văn hóa-xã hội, trong đó có công tác BHXH, BHYT trên địa bàn, bà Trương Thị Hạnh- Phó Chủ tịch UBND xã chỉ thêm mấy thuận lợi trong phát triển người tham gia BHYT: “Hoạt động KCB BHYT ở xã, huyện thời gian qua đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bà con, nên công tác vận động cộng đồng tham gia lưới an sinh cũng trôi chảy hơn”.

Được biết, TTYT huyện Đắk R’lấp đã được công nhận hạng II chuyên môn kỹ thuật (tương đương hạng của BVĐK tỉnh). Nhờ vậy, người tham gia BHYT ở Đắk R’lấp ít phải đi nơi khác KCB, giảm nhiều chi phí phát sinhh ngoài y tế. Cũng theo bà Hạnh, trong 2 tháng cuối năm, chính quyền xã đã rà soát và tìm dư nguồn để tiếp tục phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo chỉ tiêu được giao. “Về BHXH tự nguyện còn lực lượng an ninh cơ sở, đoàn thanh niên, 10 thôn, bon và các đoàn hội... Còn về BHYT, ngoài các nguồn ở 10 thôn, bon, còn có sự tiếp sức của các nhà hảo tâm…”- bà Hạnh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đình Thạo- Chủ tịch UBND xã Kiến Thành còn chia sẻ thêm rằng, khó khăn nhất đó là nhiều người về danh nghĩa cư trú tại xã, nhưng thực tế lại sinh sống ở nơi khác. Vì vậy, vấn đề vận động người tham gia lưới an sinh không suôn sẻ. Do đó, trong những ngày này, cả BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã Kiến Thành, với hơn 30 thành viên, đang lao vào thực địa để vận động, kỳ vọng phủ lưới an sinh đến từng hộ dân.

Đó là khẳng định của bà Võ Thị Kiều Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, đối với chính quyền 10 xã và 1 thị trấn trong nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT. “Căn cứ trên dữ liệu do BHXH huyện cung cấp thường xuyên, liên tục, mình thấy xã nào kết quả có phần hụt hơi, hoặc kết quả chưa đạt như mong muốn, là gọi ngay cho lãnh đạo xã để hỏi cho rõ. Nghe được lý do, nắm được tình hình, sau đó đối chiếu dữ liệu và tham vấn chuyên môn từ BHXH huyện, để chỉ đạo, hướng dẫn hoặc tháo gỡ, để hoạt động dệt lưới an sinh ở xã đó thông suốt, sớm đạt kết quả như ý”- bà Linh chia sẻ với PV Tạp chí BHXH.

Đắk R’lấp là huyện cửa ngõ của tỉnh Đắk Nông, cũng đồng thời là cửa ngõ của 4 tỉnh Tây Nguyên theo trục Quốc lộ 14. Trong lĩnh vực dệt lưới an sinh, Đắk R’lấp hiện đang đứng tốp đầu trong các huyện của tỉnh Đắk Nông. Mới đây, tại cuộc họp của BCĐ cấp tỉnh bàn về nhiệm vụ dệt lưới an sinh năm 2024, bà Võ Thị Kiều Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp đã cam kết gắng sức hoàn thành các chỉ tiêu dệt lưới an sinh. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT tới cuối năm nay ở Đắk R’lấp sẽ đạt 94% dân số, tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 17,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi...

“Với vai trò cơ quan thường trực của BCĐ cấp huyện, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để phối hợp, kết nối với hệ thống chính trị từ huyện tới xã và đại diện chính quyền tại từng thôn, bon, tổ dân phố để thực hiện sứ mệnh dệt lưới an sinh. Chỉ có chung sức chung lòng thực hiện, thì chính sách BHXH, BHYT mới đạt kết quả như mong muốn, như kỳ vọng của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và của ngành BHXH, mới giúp bà con an tâm về sức khỏe với thẻ BHYT, an tâm về tuổi già với khoản tiền hưu trí...”- anh Nguyễn Quang Vinh- Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Đắk R’lấp trải lòng.

Bài: Đỗ Bá

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận