PortalViewLandingPage
 
Thứ Hai, 04 /11/2024 09:11
 

 

Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển. Bẫy thu nhập trung bình thường xảy ra khi một nước bị “mắc kẹt” tại mức thu nhập trung bình đã đạt được nhờ khai thác tài nguyên và những lợi thế nhất định ban đầu như lao động giá rẻ, mà không được vượt qua được ngưỡng đó để đưa thu nhập lên mức cao hơn.

Theo cách xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB), tính từ ngày 1/7/2012, một nước được coi là thu nhập thấp nếu tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người/năm đạt thấp hơn hoặc bằng 1.025 USD; nước thu nhập trung bình thấp có GNI bình quân dao động từ 1.026 USD- 4.035 USD; nước có thu nhập trung bình cao nếu GNI bình quân rơi vào khoảng 4.036 USD- 12.475 USD và thu nhập cao nếu GNI bình quân ở mức trên 12.476 USD. Như vậy, theo cách hiểu này, nước có thu nhập trung bình là các quốc gia có GNI bình quân đầu người vào khoảng từ 1.026 USD đến 12.475 USD.

Cơ sở của nhận định này có thể thấy được từ số liệu từ Tổng cục Thống kê. Trước hết là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới, nên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng chậm. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425 USD; tăng lên 3.526 USD vào năm 2020; năm 2021 là 3.694 USD; năm 2022 là 4.120 USD; đến năm 2023 đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022...

Các phân tích cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua vẫn được thực hiện theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; sự tăng trưởng cũng nghiêng về yếu tố vốn hơn là yếu tố lao động. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; thấp hơn 4 lần so với Trung Quốc; thấp hơn 3 lần so với Thái Lan; thấp hơn 2 lần so với Philippines và cho bằng 1/26 so với Singapore. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (1,2 lần).

Để bắt kịp năng suất lao động và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tăng trưởng năng suất lao động liên tục với tốc độ 6,3-7,3%/năm.

Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh CCHC… Tuy nhiên, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) và Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đang bị giảm so với các nước cùng mức thu nhập. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sau gần 40 năm đổi mới, việc Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao hay lại rơi vào tình thế của một số quốc gia sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình vẫn là một câu hỏi cần được giải đáp và kịp thời có hành động quyết liệt…

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng ở các nước có thu nhập trung bình, nghiên cứu về “Bẫy thu nhập trung bình” vừa được WB công bố đã chỉ ra rằng: Các nước có thu nhập trung bình hiện khó có được đột phá trong tăng trưởng. Nguyên nhân xuất phát từ các căng thẳng chính trị trên thế giới cùng với khó khăn của kinh tế thế giới đang thu hẹp không gian hành động của các chính phủ. Bên cạnh đó, tình hình nợ công gia tăng, tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu... có thể cản trở các hành động nâng cao năng suất lao động, tốc độ phát triển kinh tế.

“Yêu cầu cấp thiết đối với các nền kinh tế có thu nhập trung bình ngày nay là “hiệu quả” trong việc sử dụng vốn, lao động và năng lượng. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần chú ý đến giá trị gia tăng của các DN, hiệu quả kinh tế mang lại và giảm thiểu phát thải trong sản xuất kinh doanh... Chúng là thước đo đáng tin cậy hơn và thực tế hơn cho việc hoạch định chính sách, nhưng chúng cũng yêu cầu thu thập thêm thông tin...”, báo cáo của WB đánh giá.

Giải pháp được các chuyên gia của định chế tài chính này đề xuất là: Thúc đẩy các thị trường có tính cạnh tranh; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng hiệu quả nguồn vốn và tiết kiệm năng lượng... Các quốc gia có thu nhập trung bình cũng có thể biến khó khăn của giai đoạn “khủng hoảng” này thành lợi thế, đổi mới những công nghệ sản xuất lỗi thời, và mở đường cho sáng tạo...

Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành “quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao” vào năm 2030 và “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm là 7% trong vòng 20 năm tới. Và giai đoạn 2024-2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp, theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Theo đánh giá, mặc dù đang có không ít khó khăn trong tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên vẫn có 2 điểm quan trọng đã khẳng định Việt Nam chưa rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Đó là Việt Nam vừa đang bước vào ngưỡng nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và đã định hướng thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi phương thức phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm ổn định vĩ mô nền kinh tế. Tổng thu nhập quốc dân trên đầu người của Việt Nam vào năm 2022 là 3.939 USD và đang tiến gần đến mức thu nhập trung bình cao.

Gợi ý giải pháp đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất; chính thức hóa khu vực phi chính thức, tăng quy mô DN để đẩy mạnh tích lũy tư bản và cách tân công nghệ (đổi mới sáng tạo); cải cách và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu; chú trọng cung cấp lao động có kỹ năng và khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo... 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khơi thông các nguồn lực phát triển cho nền kinh tế, quan tâm đến những động lực tăng trưởng dài hạn, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số để tạo giá trị gia tăng và động lực tăng trưởng…

Bài: Ngọc Thảo

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận