PortalViewLandingPage
 
Thứ Năm, 17 /10/2024 15:46
 

Theo đánh giá, hiện nay các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức. Người dân có thể thực hiện qua: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, ứng dụng VssID- BHXH số, qua các tổ chức IVAN, VNPOST...

Theo các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, một số DVC trực tuyến đã được BHXH Việt Nam nâng cấp, như: tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; liên thông đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra còn có các DVC được triển khai theo Quyết định số 422/QĐ-TTg gồm: DVC "Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện" (bao gồm cả việc đăng ký tham gia BHXH tự nguyện lần đầu; chuyển từ tham gia BHXH bắt buộc sang tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện theo phương thức và mức đóng đã đăng ký; đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện); DVC "Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT" (tích hợp DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình vào DVC này); DVC "Giải quyết hưởng BHXH một lần” (thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp DVC trực tuyến).

Theo báo cáo của chuyển đổi số quốc gia được công bố hồi tháng 7/2024 của Bộ TT-TT, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ TTHC) đến nay đạt 43%. Riêng với khối bộ, ngành, tỷ lệ toàn trình trung bình đạt 59,68%.

Việc các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình là một nỗ lực đáng ghi nhận. Đến nay, các DVC trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam được người dân dần quen dùng, số lượt sử dụng tăng.

Tuy nhiên, cần đánh giá hiệu quả từ góc độ đa chiều, dựa trên các tiêu chí cụ thể.

Ngày 3/4/2024, Bộ TT-TT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024. Đây là cơ sở để đánh giá chất lượng DVC trực tuyến của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ TT-TT cũng đã  tổ chức đánh giá chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024.

Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ TT-TT đã kết nối trực tuyến tự động theo thời gian thực tới 100% các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh. Bộ tiêu chí đánh giá được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất đến thời điểm tháng 4/2024, gồm 6 nhóm tiêu chí đánh giá với tổng điểm 100.

Trong mỗi nhóm lại có các tiêu chí, tương ứng số điểm. Kết quả đánh giá chất lượng hệ thống thông tin giải quyết TTHC bộ, ngành, địa phương được chia thành 5 mức độ: Mức độ A từ 90- 100 điểm; mức độ B từ 80- 89 điểm; mức độ C từ 65- 79 điểm; mức độ D từ 50- 64 điểm; mức độ E dưới 50 điểm.

Kết quả đánh giá chung của khối các bộ, ngành (21 đơn vị) cũng đã được công bố. Trong đó, điểm trung bình của khối các bộ, ngành là 43/100 điểm. Không có đơn vị nào đạt điểm mức độ A, B; 24% (5/21 đơn vị) đạt mức độ C; 5% (1/21 đơn vị) đạt mức độ D và 71% (15/21 đơn vị) đạt mức độ E.

Từ kết quả trên, Bộ TT-TT nhận định: Người dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các DVC trực tuyến toàn trình của cơ quan nhà nước, như: Tăng tính minh bạch, giảm thời gian, công sức và chi phí. CBCC chưa giảm tải công việc vì vẫn phải xử lý nhiều hồ sơ không trực tuyến hoàn toàn, thậm chí còn làm tăng công việc vì phải xử lý song song trên bản giấy và bản điện tử. Một số nơi có tình trạng làm thay, làm hộ DVC trực tuyến cho người dân dẫn đến quá tải, tăng thời gian chờ đợi, tiếp nhận hồ sơ TTHC, giảm mức độ hài lòng. Điều này gây khó khăn cho cả công chức và người dân, DN.

Theo Bảng xếp hạng của Bộ TT-TT, các nhóm DVC trực tuyến của BHXH Việt Nam được xếp hạng 13/21, tương ứng với 34,75 điểm (mức độ E).

Trong số 6 nhóm tiêu chí đánh giá như đã nêu, BHXH Việt Nam đạt điểm cao nhất (10/10 điểm) về nhóm tiêu chí về hiệu năng hệ thống nhưng hiệu năng tải trang lại thấp (3/10 điểm). Tiếp theo, nhóm tiêu chí đánh giá kết nối với Hệ thống EMC, BHXH Việt Nam đạt 5/5 điểm.

Nhóm tiêu chí đánh giá chức năng chiếm số điểm cao nhất (50 điểm), nhưng BHXH Việt Nam chỉ đạt 11,5 điểm. Với các nhóm tiêu chí khác, điểm số của BHXH Việt Nam chỉ ở mức trung bình (khoảng 50% điểm tối đa). Cần tiếp tục lưu ý, cải thiện ở nhóm tiêu chí về an toàn thông tin, khả năng truy cập thông tin thuận tiện hay nhóm tiêu chí đánh giá cấu trúc, bố cục... Đây là các nhóm tiêu chí mà DVC trực tuyến của BHXH được chấm điểm thấp.

Trong số những nguyên nhân khách quan dẫn đến các đơn vị được chấm điểm thấp là do Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ TT-TT mới được ban hành, với nhiều cập nhật và bổ sung, do đó, các bộ ngành cần thêm thời gian để điều chỉnh và nâng cấp hệ thống. Hay như về an toàn thông tin, phần lớn bộ, ngành chưa có hoặc chưa cung cấp đầy đủ thông tin yêu cầu để phục vụ việc đánh giá. Ở một số nhóm chỉ tiêu, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cần thêm thời gian để cung cấp các dữ liệu.

Bộ TT-TT cho rằng, các bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành phố cần phát huy tinh thần cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận rõ những điểm hạn chế để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống các DVC trực tuyến. Mục tiêu cuối cùng là để người dân dễ dàng sử dụng các DVC trực tuyến.

Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng, nhằm tăng sự hài lòng của người dân. Khi các DVC trực tuyến đem lại thuận lợi, tiện ích thì người dân, DN sẽ tin dùng, bởi không ai muốn phải mất thời gian đi lại, tốn kém hoặc phải kê khai nhiều loại giấy tờ để thực hiện các TTHC.

Bài: Minh Đức

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận