PortalViewLandingPage
 
Thứ Ba, 22 /10/2024 10:10
 

 

Cho đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Hiền vẫn không nhớ nổi đã bao lần cùng đồng nghiệp đi đòi quyền lợi. “Chúng tôi đi suốt, ngày nào cũng vài ba nhóm lên công ty xin được chốt sổ BHXH, nhưng cũng chỉ gặp được bộ phận nhân sự. Chúng tôi gọi cả trăm cuộc điện thoại cho lãnh đạo công ty, nhưng họ không nghe máy, họ chưa một lần có câu trả lời chính thức. Cách đây 2 năm, bản thân tôi sau một năm nghỉ thai sản, nghỉ việc không lương, đã cùng nhiều người đến khóc lóc, nài nỉ đóng BHXH, nhưng lãnh đạo công ty vẫn ngó lơ”- chị Hiền bức xúc kể.

Chị Lê Thị Nữ (quê Quảng Nam), từng làm việc tại Công ty TNHH Empire Hospitality, cũng phải ngược xuôi nhiều lần để đòi BHXH. Phản ánh với PV Tạp chí BHXH, chị Nữ bật khóc cho biết: “Tôi đi làm từ tháng 7/2017, đều đặn mỗi tháng, Công ty đều trừ phần tiền lương theo quy định để tham gia BHXH. Tuy nhiên, đến tháng 8/2019, tôi mới biết Công ty đang chậm đóng BHXH của NLĐ. Vì hoàn cảnh khó khăn và nghĩ Công ty sẽ đóng đủ nếu mình còn làm việc, nên tôi vẫn làm việc theo hợp đồng”.

Tháng 3/2020, khi COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Nữ xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Tuy nhiên, khi liên hệ Công ty để chốt sổ BHXH, chị nhận được trả lời là “tự đến BHXH quận Ngũ Hành Sơn để làm”. Tìm đến trụ sở BHXH quận Ngũ Hành Sơn, chị mới biết Công ty chậm BHXH từ tháng 8/2019; quay về Công ty để hỏi thì người phụ trách nhân sự đã thay đổi, người tiếp quản nói không nắm được thông tin gì. “Đến nay, tôi vẫn chưa được Công ty giải quyết, lên Công ty hỏi thì họ cứ bắt chờ. Chờ hoài tới 6 năm rồi nhưng không giải quyết được gì, trong khi kinh tế gia đình cạn kiệt. Thật sự chúng tôi khốn khổ lắm rồi”- chị Nữ chia sẻ.

Anh Mai Hùng Dũng nghỉ việc tại Chi nhánh 2- Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (Công ty Quảng An 1) từ tháng 10/2022. Sau đó, anh cùng 80 người nữa ký đơn đề nghị LĐLĐ TP.Đà Nẵng đại diện khởi kiện yêu cầu Công ty Quảng An 1 phải truy đóng BHXH theo quy định. Theo nội dung đơn, Công ty Quảng An 1 không đóng BHXH cho NLĐ từ tháng 7/2019 đến nay; đồng thời không làm thủ tục chốt sổ BHXH khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ.

Anh Nguyễn Nho Việt (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nghỉ hưu được hơn 3 năm, nhưng vẫn chưa được nhận lương hưu, do Công ty Quảng An 1 chậm đóng BHXH. Hơn 3 năm qua, anh Việt mong ngóng từng ngày chờ chốt sổ BHXH để hưởng BH thất nghiệp và lương hưu, song sự việc bị rơi vào quên lãng. “Tôi đóng BHXH ở công ty cũ được 23 năm, vô Công ty Quảng An 1 hơn 2 năm. Công ty Quảng An 1 đóng BHXH cho tôi được khoảng một năm rồi im lặng đến bây giờ. Nay tôi đau ốm, bệnh tật, nên chỉ mong chốt sổ BHXH để nhận BH thất nghiệp…”- anh Việt chia sẻ.

Trong số 81 NLĐ bị Công ty Quảng An 1 nợ BHXH, có rất nhiều trường hợp đáng thương như vợ chồng chị Trương Lê Phi Hoàng và anh Hồ Văn Diệu- đều là nhân viên bán vé. Chị Hoàng cho biết, chị làm việc được 4 năm, trong đó có tới 3 năm bị chậm đóng BHXH, còn chồng chị bị chậm đóng 2 năm. “BHXH của hai vợ chồng bị “nhốt” trong đó. Vợ chồng em không có quyền lợi gì, không BH thất nghiệp, không có BHYT, đi làm lại cũng không rút được BHXH để đóng chỗ khác”- chị Hoàng bức xúc.

Ngoài nợ BHXH, Công ty Quảng An 1 còn nợ tiền đặt cọc từ 15-30 triệu đồng của tài xế và 3 triệu đồng của phụ xe. Anh Mai Hùng Tuấn- lái xe của Công ty Quảng An 1 cho biết, khi vào Công ty làm việc, các tài xế phải đặt cọc từ 15 đến 30 triệu đồng, còn phụ xe thì 3 triệu đồng. Trong hợp đồng ghi, sau khi nghỉ việc một tháng sẽ được trả lại tiền cọc, nhưng nhiều người nghỉ việc cả năm trời cũng không được trả lại khoản tiền này. Thậm chí, do Công ty nợ BHXH kéo dài, nên NLĐ không thể chốt được sổ BHXH cũng như không được hưởng các chế độ liên quan. Tính đến hết tháng 8/2024, Công ty Quảng An 1 nợ BHXH lên tới hơn 12,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Đắk Nông, Công ty Nam Nung cũng đang chậm đóng BHXH gần 100 tháng. Đáng nói, hằng tháng Công ty vẫn trích trừ tiền đóng BHXH từ lương của NLĐ, nhưng lại không chuyển nộp vào quỹ BHXH. Đơn cử, chị Tống Thị Rồi từng làm việc tại Đội sản xuất số 3 từ năm 2008, đến năm 2015 thì nghỉ việc. Tuy nhiên, Công ty chỉ đóng BHXH, BHYT cho chị đến năm 2012, nên cuộc sống của chị Rồi hiện nay hết sức khó khăn. “Tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm, làm sao để Công ty truy nộp BHXH, BHYT, để tôi được chốt sổ BHXH và hưởng quyền lợi”- chị Rồi bày tỏ mong muốn.

Anh Hà Đình Tý nghỉ việc tại Đội sản xuất số 3 (Công ty Nam Nung) cũng đã gần 9 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ BHXH. Năm 2010, anh Tý vào làm việc tại Công ty Nam Nung và bắt đầu đóng BHXH từ năm 2011. Trong những năm sau đó, hằng tháng, Công ty đều trích trừ tiền đóng BHXH từ lương của anh Tý, cho đến khi anh kết thúc HĐLĐ.

Tuy nhiên, khi đến BHXH huyện Krông Nô giải quyết chế độ BHXH, anh Tý mới biết Công ty chỉ đóng BHXH cho mình đến hết năm 2012, nên chưa đủ điều kiện giải quyết BHXH một lần. “Trên giấy tờ của Công ty, tôi đã đóng đủ BHXH 5 năm liên tục, trong khi theo BHXH huyện Krông Nô, tôi mới chỉ đóng được 2 năm. Rất nhiều người cũng đang lâm vào hoàn cảnh như tôi. Bây giờ chúng tôi không biết phải gặp ai để đòi quyền lợi của mình”- anh Tý lo lắng.

Anh Tý cho biết thêm, vợ anh cũng bị chậm đóng BHXH, BHYT nên không được hưởng chế độ BHYT và trợ cấp thai sản. Đến tháng 4/2021, vợ anh kết thúc HĐLĐ với Công ty Nam Nung nhưng không được nhận chế độ BH thất nghiệp. “Cả hai vợ chồng đều chưa thể giải quyết chế độ BHXH một lần. Hàng trăm lao động khác chung tình cảnh nên chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi, chứ nhiều năm nay đã đi khắp nơi để đòi quyền lợi rồi”- anh Tý ngán ngẩm cho biết.

Ông Y Thi- nhân viên bảo vệ của Công ty Nam Nung cũng bức xúc cho biết: “Đến ngày nhận lương, Công ty đưa ra một tờ giấy có đóng dấu ghi nội dung: Biên bản đối chiếu công nợ và các khoản phụ cấp theo lương. Chúng tôi ký vào công nợ, để xác nhận Công ty hiện đang nợ lương của CBCNV. Tháng này dồn qua tháng khác, rồi năm khác… mà lãnh đạo Công ty trả lời chưa có nguồn để chi trả tiền lương cho anh em. Bên cạnh đó, BHXH, BHYT cũng bị Công ty trích trừ vào lương, nhưng lại không đóng cho cơ quan BHXH” - ông Y Thi phản ánh với chúng tôi.

Bài: Lê Văn

Đồ họa: Thanh An


Viết bình luận