PortalViewLandingPage
 
Thứ Tư, 05 /02/2025 15:45
 

 

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, BHXH và BHYT đã không ngừng khẳng định vai trò trụ cột của mình trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. BHXH hiện nay được triển khai dưới hai hình thức: bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc đem lại sự an toàn cho NLĐ thông qua các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Đây là sự đảm bảo để NLĐ yên tâm cống hiến, xây dựng cuộc sống ổn định.

Song hành với đó, BHXH tự nguyện đã mở ra cơ hội cho hàng triệu NLĐ phi chính thức, giúp họ tiếp cận với chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những NLĐ trong khu vực phi chính thức, những người vốn chịu nhiều thiệt thòi trong hệ thống an sinh xã hội.

Không kém phần quan trọng, BHYT- một trong những trụ cột an sinh thiết yếu- đã trở thành điểm tựa tài chính cho người dân khi đối mặt với ốm đau, bệnh tật. Quỹ BHYT không chỉ chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) mà còn hỗ trợ các dịch vụ y tế kỹ thuật cao như phẫu thuật robot, điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, và các bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, với những ca bệnh nặng cần điều trị dài ngày, BHYT đã giúp hàng trăm nghìn gia đình thoát khỏi nguy cơ khánh kiệt kinh tế, mở ra hy vọng mới cho người bệnh và thân nhân của họ.

Trong chuyến hành trình thiện nguyện tại Sơn La, trực tiếp trao tặng thẻ BHYT và sổ BHXH tới những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết: “Với vai trò là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT- các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn hết sức quan tâm, chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, người dân gặp khó khăn trên cả nước. Đây cũng vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình cảm của con người Việt Nam với nhau”.

Tinh thần đoàn kết và sẻ chia là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình phát triển của chính sách BHXH và BHYT. Việc tham gia BHXH, BHYT không chỉ là nghĩa vụ tài chính mà còn là biểu hiện sống động của truyền thống "thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Đối với người nghèo, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số và những nhóm yếu thế khác, BHXH và BHYT không chỉ là chiếc phao cứu sinh giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là cầu nối để họ tiếp cận với các cơ hội sống khỏe mạnh, bình đẳng hơn. Đặc biệt, trong những giai đoạn thử thách như đại dịch Covid-19 hay các đợt thiên tai khắc nghiệt, BHXH và BHYT đã phát huy vai trò là "tấm lá chắn thép”, giúp hàng triệu người dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn.

Ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH và BHYT được khắc họa rõ nét nhất trong những thời điểm gian khó. Trong hành trình tác nghiệp tại nhiều tỉnh thành, tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc đầy cảm xúc: nụ cười hạnh phúc của những người dân nhận đồng lương hưu đầu tiên sau nhiều năm kiên trì tham gia BHXH tự nguyện, ánh mắt biết ơn của lao động được hỗ trợ trong lúc mất việc do đại dịch, và cả giọt nước mắt xúc động của những gia đình vượt qua gánh nặng viện phí nhờ BHYT giữa cảnh tan hoang sau thiên tai. Những câu chuyện như thế hiện hữu khắp nơi, từ miền núi hẻo lánh đến đô thị sầm uất, như dòng chảy lặng lẽ nhưng mãnh liệt của lòng nhân ái, vun đắp niềm tin vào tương lai cho mỗi người dân.

Hơn ai hết, bà Lý Thị Độn (thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) là người hiểu sâu sắc giá trị của chính sách BHYT. Tháng 9/2024, trận lũ quét kinh hoàng đã cuốn trôi gần như toàn bộ tài sản của gia đình bà. Chạy lũ trong hoảng loạn, bà cùng cháu gái Trương Thị Ánh Duyên bị thương nặng, phải nhập viện điều trị. Nhờ quỹ BHYT chi trả toàn bộ viện phí, bà Độn đã vượt qua giai đoạn đen tối nhất. Bà xúc động chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của quỹ BHYT. Không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, đây còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao”.

Không chỉ dừng lại ở việc chi trả chế độ, BHXH Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình nhân đạo như “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người nghèo”. Những món quà này không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn tiếp thêm động lực cho những gia đình khó khăn, đặc biệt ở các vùng bão lũ như Yên Bái, Thanh Hóa hay Bắc Kạn, nơi người dân thuần nông đã mất tất cả chỉ sau một cơn lũ.

Chị Phạm Thị Chung ở TP.Bắc Kạn, một nạn nhân khác của bão số 3 (YAGI), từng đứng trước nguy cơ phải dừng tham gia BHXH tự nguyện dù đã kiên trì suốt 10 năm. Gia đình chị chịu thiệt hại nặng nề, nhà cửa sạt lở, tài sản hư hỏng. Nhưng nhờ chương trình hỗ trợ từ BHXH Việt Nam, chị được tặng một năm sổ BHXH. Chị chia sẻ trong xúc động: “Tôi rất phấn khởi và biết ơn. Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục tham gia, bởi tôi hiểu rằng, có BHXH, về già tôi sẽ an tâm hơn với lương hưu và chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.

Câu chuyện của bà Độn, cháu Duyên cùng chị Chung chỉ là ba trong vô số minh chứng sống động cho giá trị nhân văn mà các chính sách BHXH, BHYT mang lại. Đều đặn mỗi năm, hàng nghìn cuốn sổ BHXH và thẻ BHYT đã được trao tặng trên khắp cả nước, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Nhiều DN, nhà hảo tâm đã coi BHXH, BHYT là những món quà từ thiện mang giá trị kiến tạo bền vững. Những món quà tuy giản dị mà thấm đẫm ý nghĩa, là những bài học quý giá về sự sẻ chia, tình người trong cuộc sống. BHXH, BHYT đã giúp nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính. Đồng thời, giúp họ có cơ hội tiếp cận những dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Chính những món quà ấy không chỉ là vật chất, mà là niềm tin, là cơ hội để người dân, nhất là những người nghèo khó, có thể vươn lên trong cuộc sống.

Nhưng giá trị của BHXH và BHYT không chỉ dừng lại ở việc trao tặng. Để xây dựng một hệ thống an sinh vững mạnh, mỗi người dân cần hiểu rõ quyền lợi của mình, chủ động tham gia vào hệ thống này, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Chính sự tham gia của cộng đồng, cùng với những nỗ lực của ngành BHXH, mới tạo nên một nền tảng xã hội bền vững, nơi mọi người đều có thể vững bước trên con đường đời mà không sợ bị bỏ lại phía sau. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, việc ngày càng có nhiều người tham gia “lưới an sinh” đã cho thấy bản chất tốt đẹp của chính sách, nhiệm vụ triển khai chính sách của cơ quan BHXH có hiệu quả; cũng như sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Văn hóa BHXH không chỉ là thực hiện những chính sách cụ thể mà còn là sự gắn kết, chung tay của cả cộng đồng và các tổ chức trong việc xây dựng một hệ thống an sinh bền vững. Đây là sự hòa quyện giữa tinh thần trách nhiệm của ngành BHXH và ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong việc tham gia, đóng góp vào hệ thống này. Không thể phủ nhận rằng, những chính sách này chỉ thực sự có giá trị khi cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của chúng, khi mỗi người dân cảm thấy mình là một phần không thể thiếu của một xã hội công bằng và văn minh.

Ngành BHXH Việt Nam trong những năm qua, đã không ngừng nỗ lực hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia và thụ hưởng các chính sách. Các chiến dịch tuyên truyền, từ hội thảo, tọa đàm đến các hoạt động truyền thông sáng tạo, đã giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của BHXH, BHYT. Những hình thức tuyên truyền này không chỉ là công cụ nâng cao nhận thức mà còn là lời mời gọi, khuyến khích mọi người tham gia, vì một tương lai không có ai bị bỏ lại phía sau.

Bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ, văn hóa BHXH cần tiếp tục được xây dựng và phát huy. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành BHXH mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính quyền, đoàn thể và mỗi cá nhân đều phải tham gia, chung tay xây dựng một hệ thống an sinh xã hội thật sự công bằng và bền vững. Chính sự đoàn kết ấy sẽ tạo nên một xã hội vững mạnh, nơi mọi công dân đều có thể cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc của Nhà nước.

Chặng đường phát triển của BHXH và BHYT không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Đó là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy niềm tin và hy vọng. Với những giá trị nhân văn đã được xây dựng và hun đúc qua thời gian, BHXH, BHYT không chỉ là một chính sách an sinh xã hội, mà còn là cội nguồn của sự đoàn kết, là ngọn đuốc soi đường cho một xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng và phát triển văn hóa BHXH, để không chỉ xây dựng hệ thống an sinh vững mạnh mà còn tạo ra một xã hội thật sự nhân ái, công bằng, nơi mọi người đều có thể tìm thấy niềm tin và hy vọng vào tương lai.

Thực hiện và trình bày: Hà Hùng


Viết bình luận