PortalViewLandingPage
 
Chủ nhật, 22 /10/2023 20:46
 

* PV: Tháng 10/2022, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với các DN FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại khu vực phía Nam. Sự kiện này được Chính phủ và cộng đồng DN FDI Nhật Bản đánh giá cao. Vậy, Hội nghị đối thoại lần này có ý nghĩa như thế nào và hướng tới mục tiêu gì, thưa Tổng Giám đốc?

- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh:

Tháng 10/2022, tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các DN FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 100 DN Nhật Bản đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố phía Nam- những nơi có nguồn vốn FDI cao so với bình quân chung của cả nước. Đây là lần đầu tiên BHXH Việt Nam và các DN FDI Nhật Bản có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, thảo luận những vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Thông qua Hội nghị, các DN đã có cái nhìn toàn diện hơn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, từ đó tạo sự đồng thuận, gắn kết trong tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, ngày 24/10 tới, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với các DN FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại khu vực phía Bắc. Có thể nói, đây là hoạt động trọng tâm của Ngành nhằm góp phần tiếp tục vun đắp cho quan hệ giữa 2 nước trên tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã nêu: “Chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả”; đưa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới với khuôn khổ mới, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là hoạt động thiết thực của ngành BHXH Việt Nam nhằm quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của Ngành trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT trong cộng đồng DN nói chung và DN FDI nói riêng, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển bền vững kinh tế- xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

* Thưa Tổng Giám đốc, trên cả bình diện song phương lẫn đa phương, trong mọi lĩnh vực hợp tác, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản luôn không ngừng được củng cố và mở rộng. Trong bối cảnh đó, với vai trò của mình, ngành BHXH Việt Nam đã có những giải pháp gì để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

- Trong những năm qua, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Theo đó, đây là nước tài trợ, viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba của Việt Nam. Về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tính riêng khối DN Nhật Bản, tính đến hết tháng 9, BHXH Việt Nam đang phục vụ 2.112 DN với số lao động tham gia BHXH là 547.117 người, trong đó có 545.504  người Việt Nam và 1.613 người Nhật Bản. Số thu BHXH trong 9 tháng đầu năm 2023 là hơn 13.084 tỷ đồng, chiếm 13,03% tổng thu của khối DN FDI.

Với vai trò là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ chuyên trách tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT- 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực cải cách, đổi mới và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hiệu quả nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân và DN trong và ngoài nước, trong đó có khối các DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo đó, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động đề ra một loạt giải pháp thực hiện như: Triển khai hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ, chính sách ở cả Trung ương và địa phương; cung cấp 100% DVC trực tuyến cấp độ 4 và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia; tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong từng khâu nghiệp vụ, giúp người tham gia tiếp cận và thụ hưởng các chế độ dễ dàng, nhanh chóng; triển khai ứng dụng BHXH số (VssID) phiên bản tiếng Nhật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Nhật Bản tham gia BHXH, BHYT tại Việt Nam…

* Một trong những “nhịp cầu” quan trọng đóng góp cho sự phát triển trong quan hệ Việt Nam- Nhật Bản là cộng đồng người dân tại 2 nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán làm thế nào để bảo vệ quyền lợi toàn diện cho lao động 2 nước khi làm việc trên lãnh thổ của nhau. Vậy, chúng ta cần làm gì để giải bài toán này, thưa Tổng Giám đốc?

- Trong dòng chảy của tiến trình hội nhập quốc tế về lao động, an sinh xã hội và dịch chuyển lao động trong khu vực, ngày càng có nhiều lao động Nhật Bản sang làm việc ở Việt Nam và lao động Việt Nam sang làm việc ở Nhật Bản. Trong xu thế đó, chính sách BHXH, BHYT cho người nước ngoài tại Việt Nam nằm trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội. Lao động người nước ngoài nói chung và lao động Nhật Bản nói riêng sinh sống và làm việc tại Việt Nam phải được bảo đảm tốt nhất về quyền lợi, chế độ an sinh xã hội. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho Chính phủ và DN 2 nước.

Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam có quy định lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, từ ngày 1/1/2022 ràng buộc trách nhiệm đóng góp của DN và NLĐ. Đây là mối quan tâm chung của nhiều DN FDI tại Việt Nam, trong đó có DN Nhật Bản. Để tránh việc đóng song trùng BHXH, tối ưu hóa quyền lợi cho NLĐ, 2 nước đang tiến hành các thủ tục trao đổi, cập nhật thông tin, lộ trình chuẩn bị cho việc đàm phán Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.

Từ năm 2018 đến nay, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tổ công tác về Hiệp định BHXH Việt Nam- Nhật Bản trao đổi thông tin và tình hình thực hiện chính sách BHXH tại mỗi nước, dự kiến lộ trình, xây dựng hiệp định mẫu và các thủ tục tiếp theo trước khi 2 nước chính thức khởi động đàm phán Hiệp định song phương về BHXH. Đây chắc chắn sẽ là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân 2 quốc gia.

* Mốc son 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản được cho sẽ mở ra cơ hội hợp tác đa lĩnh vực trong tương lai, trong đó bao gồm cả an sinh xã hội. Tổng Giám đốc kỳ vọng điều gì sau sự kiện quan trọng này?

- Hiện tại, quan hệ Nhật Bản- Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Các chuyến thăm cấp cao giữa 2 nước liên tục diễn ra, nguyên thủ quốc gia và nhân dân 2 nước cũng tạo dựng được mối quan hệ tin tưởng đặc biệt. Giữa bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, Nhật Bản và Việt Nam vẫn coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng và tiếp tục xây dựng mối quan hệ hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực hơn trước.

Ở khía cạnh của mình, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an sinh xã hội giữa BHXH Việt Nam và các đối tác Nhật Bản không ngừng được mở rộng và đẩy mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Các hoạt động hợp tác được triển khai kịp thời nhằm cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội mỗi nước trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, góp phần giúp BHXH Việt Nam tranh thủ nguồn lực, tiếp thu, vận dụng hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm quốc tế đẩy nhanh quá trình cải cách, đáp ứng tiến trình phát kinh tế- xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.

Mối quan hệ được cho là có “tiềm năng vô hạn” của 2 nước đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Bản thân tôi hy vọng mốc son 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy 2 nước gặt hái thêm nhiều thành quả trong hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là an sinh xã hội. Từ đó, kiến tạo nền tảng cho mối quan hệ bền chặt, phát triển vượt bậc hơn nữa, để hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau.

* Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

Thanh Hằng (Thực hiện)

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận