PortalViewLandingPage
 
Thứ Hai, 12 /02/2024 11:15
 

* PV: Thưa Bộ trưởng, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ bảy tới. Vậy Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã sẵn sàng cho việc thực hiện luật mới như thế nào?

- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Việc sửa đổi Luật BHXH lần này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng về cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó có mục tiêu mở rộng diện bao phủ, hướng tới BHXH toàn dân. Đây là dự án luật rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến hàng chục triệu NLĐ và người SDLĐ. Do đó, ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ, đề xuất các nội dung sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp cùng BHXH Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan tổng kết, lấy ý kiến người dân và các đối tượng chịu sự tác động của luật.

Bộ cũng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương khảo sát, làm việc trực tiếp với 8 Tỉnh ủy, Thành ủy và 16 DN để sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); tham gia cùng Ủy ban Xã hội của Quốc hội khảo sát tại các địa phương và tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đối với dự án luật; tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, DN, NLĐ, chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, xử lý linh hoạt những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật BHXH hiện hành như: Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; sửa đổi quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; đa dạng quỹ theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả, bền vững...

Từ nay cho đến trước Kỳ họp thứ bảy, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, giải trình những vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua. Đặc biệt, đối với những vấn đề khó và được dư luận xã hội quan tâm, Bộ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân và DN để hoàn thiện Dự án Luật trên cơ sở đề xuất và lựa chọn được phương án tối ưu nhất.

Ngay sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, BHXH Việt Nam cần tích cực, chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tổ chức triển khai nghiệp vụ đến BHXH các địa phương, để hướng dẫn DN và NLĐ thực hiện các quy định mới của luật; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin rộng rãi giúp người dân hiểu đầy đủ về chủ trương, định hướng, nhằm tạo sự ủng hộ và đồng thuận xã hội….

* Thưa Bộ trưởng, độ bao phủ BHXH ngày càng tăng là thành tựu lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn tới khó khăn nhất định, bởi khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong khi chính sách vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Vậy, theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp giảm tải áp lực này?

- Trong những năm qua, tôi đánh giá cao và biểu dương BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách như: Đã cung cấp 80 DVC trực tuyến, trong đó có 77 DVC toàn trình và 3 DVC một phần với hơn 621.000 tổ chức sử dụng DVC; ứng dụng CNTT với hệ thống các phần mềm quản lý gồm: Phần mềm xét duyệt chính sách (TCS), phần mềm Thu và Quản lý sổ thẻ (TST), phần mềm Cấp mã số BHXH và Quản lý BHYT hộ gia đình, Cổng tiếp nhận Hệ thống Thông tin giám định BHYT, Hệ thống thu nộp và chi trả BHXH điện tử (ECOPAY), ứng dụng VssID-BHXH số với khoảng 35 triệu người đăng ký sử dụng.

Đồng thời, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, trong đó có kết nối dữ liệu với Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về BHXH, BH thất nghiệp, tình hình SDLĐ, cung cấp tiện ích tra cứu cho cán bộ thuộc các Trung tâm DVVL trên cả nước để tra cứu thông tin giải quyết chế độ BH thất nghiệp. Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2021, BHXH Việt Nam đứng thứ ba trong số các bộ, ngành cung cấp DVC…

Rõ ràng, quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần giảm tải áp lực công việc cho đội ngũ CCVC trong toàn Ngành. Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, tạo điều kiện cho Ngành tiếp tục thực hiện CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.

Tuy nhiên, do chính sách ngày càng mở rộng, đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách ngày càng tăng, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng CNTT. Theo đó, cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và là giải pháp tất yếu để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng như Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 10/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

* Duy trì an sinh xã hội bền vững cũng đồng nghĩa với việc không để NLĐ vì khó khăn mà phải rời lưới an sinh. Đây là mối quan tâm của cả hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

- Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định 11 nội dung cải cách và chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, việc làm, BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Rõ ràng, một chính sách tốt cần được thông tin, tuyên truyền để mọi người dân và đối tượng thụ hưởng chính sách hiểu đầy đủ, để từ đó bản thân tự giác, tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế và xây dựng hệ thống pháp luật lao động, việc làm, BHXH đồng bộ sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, hạn chế tình trạng bị mất việc làm, dẫn đến phải tìm đến giải pháp tình thế là rút BHXH một lần...

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện trên tinh thần đảm bảo niềm tin của người dân vào chính sách BHXH và khả năng thực thi của cơ quan BHXH; đồng thời phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo mọi NLĐ đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Cuối cùng, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, bởi khi có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân, thì chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, bền vững và hiệu quả.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, tôi xin gửi tới CBCCVC ngành BHXH Việt Nam cùng gia đình lời chúc năm mới, sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi tin tưởng, đội ngũ CBCCVC ngành BHXH tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Vũ Thu (Thực hiện)

Đồ hoạ: Thanh An


Viết bình luận