Lưu ý khi dùng thuốc ho, cảm sốt cho trẻ em lúc chuyển mùa

Thứ Hai, 11 /11/2024 14:23

Các gia đình có con nhỏ thường rất lo lắng khi trẻ có biểu hiện ho sốt, nhất là trẻ dưới 6 tuổi. Thời tiết chuyển mùa, lúc nóng lúc lạnh, nếu không quan tâm đúng mức, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng của nhiệt độ thay đổi trong ngày, dẫn đến có biểu hiện ho, cảm sốt. Trong thực tế, nhiều trường hợp trẻ bị ho cảm chưa đến mức phải dùng thuốc, nhưng vẫn được các phụ huynh cho uống thuốc ho, cảm khiến một số trẻ bị dị ứng, ngộ độc với thuốc và có hại cho gan, thận.

Thuốc trị cảm sốt, ho, dị ứng được bán rộng rãi tại các nhà thuốc. Một số loại thậm chí còn không cần đơn của thầy thuốc vẫn có thể mua được với số lượng không hạn chế. Chính vì vậy, đã có nhiều trường hợp dùng các loại thuốc ho, thuốc cảm sốt không đúng liều, lạm dụng thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng như độc với gan, gây tăng huyết áp với bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, nhiều trường hợp bị dị ứng, mẩn ngứa.

Một số thuốc có Paracetamol phối hợp với các chất kháng histamin chống dị ứng thường có nhiều tên biệt dược (tên thương mại) khác nhau, khiến người dùng nhầm lẫn phối hợp dẫn đến quá liều. Đặc biệt, các trường hợp trẻ em dưới 4 tuổi nếu cho dùng thuốc ho, cảm không đúng quy định sẽ rất nguy hiểm.

Ngay tại Mỹ, người ta cũng đã thống kê mỗi năm thuốc ho và thuốc cảm bán không cần đơn bác sĩ đã khiến khoảng 7.000 trẻ phải cấp cứu, với các triệu chứng nổi mẩn ngứa, buồn ngủ và đi không vững. Thậm chí, có nhiều em bé bị uống thuốc quá liều do cha mẹ không để ý. Vì vậy, đối với trẻ em dưới 4 tuổi, để đề phòng tai nạn xảy ra do dùng các loại thuốc ho, cảm không đúng quy định, phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn loại thuốc.

Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo không cho trẻ em dưới 6 tuổi dùng thuốc ho và cảm chứa thuốc kháng histamin. Một số bậc cha mẹ cho các em dùng thuốc của người lớn càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, phải chọn loại thuốc dành riêng cho trẻ em và nên chọn loại đơn chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt như Paracetamol hay Ibuprofen.

Đồng thời, không nên chọn các loại thuốc phối hợp nhiều thành phần như các biệt dược Decolgen, Tiffy, Alaxan…, thay vào đó nên chọn thuốc đơn chất có Paracetamol với dạng bào chế thuận tiện cho trẻ em như viên sủi bọt hay gói bột để pha dung dịch uống, viên đặt hậu môn có Paracetamol để giảm đau hạ sốt. Nên nhớ, Paracetamol còn có tên khác là Acetaminophen để tránh nhầm lẫn và không phối hợp 2 loại thuốc của cùng một hoạt chất.

Tại một số nước tiên tiến, người ta đã quy định các nhà sản xuất thuốc ho, cảm phải in trên nhãn thuốc là không nên cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc ho và thuốc cảm. Đồng thời, họ cũng đưa ra chương trình giáo dục quần chúng, trong đó yêu cầu cha mẹ cẩn thận hơn khi cho con em uống thuốc ho và thuốc cảm. Không được cho trẻ em uống 2 hay nhiều thuốc có cùng hoạt chất trong cùng một lần. Đối với các loại thuốc cảm có phối hợp với các chất chống dị ứng phải hết sức thận trọng.

Cha mẹ cũng phải cho trẻ dùng đúng với liều khuyên dùng, dùng các dụng cụ đo lường đi cùng với chai thuốc dạng bào chế cho trẻ. Cần chú ý giữ thuốc xa tầm với của trẻ em để tránh trường hợp trẻ tự lấy thuốc uống, nhất là với các lọ thuốc dạng lỏng như si-rô. Cần tham khảo bác sĩ khi có vấn đề về dùng thuốc cho trẻ nhỏ.

Trong nhiều trường hợp, bệnh ho, cảm tự biến mất trong vài ngày mà không cần dùng bất cứ một loại thuốc nào. Nếu trẻ chỉ ho và hơi sốt nhẹ, cha mẹ nên theo dõi, tránh gió và quạt khiến trẻ bị cảm lạnh. Nhiều khi chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi và dinh dưỡng tốt là đủ… Một số biện pháp hạ sốt không dùng thuốc như chườm mát bằng khăn ướt với nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ thân nhiệt đo được của trẻ vẫn có hiệu quả tốt.

Chú ý, cần cho trẻ uống đủ nước và ở trong phòng thoáng khí. Nếu trẻ vẫn hoạt động, ăn ngủ tốt, không sốt cao, li bì, thì không cần phải dùng thuốc hạ sốt ngay. Theo dõi và chăm sóc trẻ đúng cách giúp phòng tránh cảm lạnh và ho là biện pháp tốt nhất, tránh những nguy cơ đến sức khoẻ của trẻ trong lúc thời tiết chuyển mùa.

ThS.Lê Quốc Thịnh